Khai trương hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền ở Thanh Chương

Sáng 17/6, UBND huyện Thanh Chương phối hợp với VNPT Nghệ An tổ chức lễ khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành và hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Ảnh: Mai Hoa

Tham dự lễ khai trương có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Hải Dương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương; lãnh đạo huyện Thanh Chương và VNPT Nghệ An.

Chuyển đổi số với 3 trụ cột: Kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Việc tổ chức khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành và hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền huyện Thanh Chương nhằm cụ thể hóa 1 trong 3 trụ cột nêu trên.

Hệ thống này với các chức năng chính như hỗ trợ cán bộ quản lý tiếp nhận, xử lý các thông tin, phản ánh từ phía người dân, doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đây cũng là công cụ để cán bộ theo dõi một cách hệ thống tổng hợp phản ánh nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả xử lý nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp.

Về phía người dân, doanh nghiệp có thể phản ánh mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm tất cả các vấn đề, lĩnh vực mình quan tâm thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền; đồng thời tra cứu nhiều thông tin hữu ích.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương phát biểu khai mạc tại lễ khai trương. Ảnh: Mai Hoa

Phát biểu tại lễ khai trương, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương - một trong những huyện triển khai sớm Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành, hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền trong cả tỉnh.

Các đại biểu tham dự lễ khai trương được giới thiệu sơ bộ phần mềm phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Nam Đình khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Một trong những giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là chuyển đổi số và hoạt động này đã, đang được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến các địa phương.

Đối với Nghệ An cũng đã triển khai kịp thời và hiện nay, dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe, cho ý kiến 2 lần và đến ngày 1/7/2022 sẽ trình tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trước khi thông qua. Năm 2022, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ đề cải cách hành chính là chuyển đổi số. Hiện nay, công nghệ thông tin đã hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Thanh Chương ấn nút khai trương Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành và hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Ảnh: Mai Hoa

Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và đưa vào vận hành Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành và hệ thống phản ánh tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền nói riêng, để cán bộ, người dân, doanh nghiệp cùng tích cực tham gia. Đây là bước khởi đầu tiến tới xây dựng chính quyền điện tử thông minh, thân thiện, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại lễ khai trương. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Nam Đình cũng nhấn mạnh, công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng không thể thay thế được con người, con người đóng vai trò quan trọng và quyết định. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương cần nâng cao hiểu biết, kỹ năng, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, nhằm mục đích tạo hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Sau buổi lễ, UBND huyện tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức”.

Được biết, thời gian qua, công tác ứng dụng, phát triển CNTT và nhiệm vụ chuyển đổi số được huyện Thanh Chương đẩy mạnh. Đến thời điểm này, dịch vụ công trực tuyến đã triển khai ở 55 cơ quan, đơn vị trong toàn huyện. Trong công tác chỉ đạo, điều hành đã triển khai phần mềm VNPT Ioffice, chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, MTTQ đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập, y tế, giáo dục… Có 100% các xã, thị trấn được lắp đặt truyền hình hội nghị.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực được đẩy mạnh; như trong giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến, E-Learning, quản lý dữ liệu ngành; lĩnh vực y tế đã ứng dụng PC COVID, Sổ sức khỏe điện tử, phần mềm khám, chữa bệnh từ xa; lĩnh vực tài chính đã ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt: Internet Banking, Vnpay, ViettelPay, ZaloPay …; Bảo hiểm xã hội huyện triển khai ứng dụng VSSID; Công an huyện triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thẻ CCCD gắn chip… Cổng Thông tin điện tử huyện hoạt động có hiệu quả, đầy đủ thông tin và kịp thời.

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/khai-truong-he-thong-phan-anh-tuong-tac-truc-tuyen-giua-nguoi-dan-va-chinh-quyen-o-thanh-chuong-post255078.html