Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/11/2018

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Văn phòng Chính phủ trong quý IV/2018 khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai xây dựng và khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/11/2019.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia trong quý IV/2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cán bộ, công chức được cử ra Bộ phận Một cửa phải bảo đảm trình độ chuyên môn

Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến ngày 11/9/2018 về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Phó Thủ tướng nhận định, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách TTHC và tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước các cấp vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số địa phương còn chưa thực chất; ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC chưa được người dân hiểu rõ dẫn đến hiệu quả thấp...

Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, gắn kết hoạt động giải quyết TTHC với ứng dụng CNTT, tháng 4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC (Nghị định 61).

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định 61 và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cũng như nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, hiện thực hóa quan điểm Chính phủ phục vụ, phát huy tinh thần làm chủ của người dân, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai Nghị định 61 theo các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 985 ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; kiện toàn tổ chức, nhiệm vụ Bộ phận Một cửa và chỉ đạo bố trí trụ sở, trang thiết bị của Bộ phận Một cửa các cấp bảo đảm sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

Cán bộ, công chức được cử ra Bộ phận Một cửa phải bảo đảm trình độ chuyên môn thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp, tiến tới thực hiện các quy trình này đối với những TTHC phổ biến và có số lượng hồ sơ phát sinh lớn. Cần có sự tham gia của các đầu mối kiểm soát TTHC trong việc tổ chức, vận hành Bộ phận Một cửa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của việc thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC và theo dõi tình hình, kết quả giải quyết TTHC; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Quảng Ninh trong quản lý, vận hành Trung tâm hành chính công (nguyên tắc 3 giảm, 4 tại chỗ, 8 công khai).

Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu phải chấn chỉnh việc giải quyết TTHC tại cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC; nghiêm túc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC; khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC; đề xuất chế độ chính sách cho cán bộ công chức tại Bộ phận Một cửa các cấp; đẩy mạnh việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết TTHC, hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, đặc biệt thông qua phương thức điện tử...

Xây dựng dịch vụ công trực tuyến phải lấy người dùng làm trung tâm

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT trong triển khai xây dựng Cổng DVCTT và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thuận tiện, dễ sử dụng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; chuẩn hóa, thống nhất quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong phạm vi của bộ, tỉnh trên tinh thần cải cách mạnh mẽ và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp cung cấp các DVCTT ngoài Danh mục Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì phải bảo đảm các tiêu chí thực hiện trực tuyến và có số lượng hồ sơ giao dịch lớn. Việc xây dựng DVCTT phải lấy người sử dụng làm trung tâm, bảo đảm tính thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan trong quá trình giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương và công bố phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tiêu chuẩn để bộ, ngành, địa phương triển khai.

Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thanh toán tập trung của quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh để người dân thực hiện thanh toán trực tuyến.

Với Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng chỉ đạo trong quý IV/2018 khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai xây dựng và khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/11/2019. Cơ quan này cũng được giao trên cơ sở tổng hợp các nội dung hội nghị, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10/2018.

Vân Anh

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/cntt/khai-truong-cong-dich-vu-cong-quoc-gia-truoc-ngay-1-11-2018-173214.ict