Khai thông sông Cổ Cò: Rất quyết tâm nhưng còn gặp khó

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng xúc tiến thực hiện không chỉ có ý nghĩa trong việc liên kết vùng phát triển kinh tế của hai địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng xúc tiến thực hiện không chỉ có ý nghĩa trong việc liên kết vùng phát triển kinh tế của hai địa phương, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Một góc dòng sông Cổ Cò đang được tiến hành nạo vét.

Một góc dòng sông Cổ Cò đang được tiến hành nạo vét.

Từ tháng 9-2019, các hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò bắt đầu tiến hành tạm dừng hoạt động. Theo đó, UBND TP Hội An vừa ban hành phương án quản lý hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò nhằm đảm bảo cho Dự án nạo vét dòng sông, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn. Hiện nay, trên sông Cổ Cò có 260 hộ nuôi cá, 273 bè, 2.667 lồng. Các hộ nuôi cá chủ yếu thuộc các phường như: Cửa Đại, Cẩm An, Cẩm Châu và xã Cẩm Thanh. Mặc dù, thời gian qua UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, không thống nhất chủ trương nuôi cá lồng bè trên hệ thống sông của thành phố, nhưng tình trạng nuôi tự phát, không đăng ký và báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, phát sinh nhanh chóng số lượng lồng bè trong một thời gian ngắn đã đặt ra những thách thức rất lớn đặc biệt là nguy cơ đối với dự án nạo vét lòng sông. Trong khi đó, công tác quản lý của các xã, phường và các ngành chuyên môn thiếu chặt chẽ dẫn đến buông lỏng, không kiểm soát, kịp thời chấn chỉnh sai phạm theo chỉ đạo của UBND thành phố. Theo thông báo, các hộ nuôi cá lồng bè nằm trong phạm vi nạo vét (40m lòng sông và 80m hành lang) buộc phải tháo dỡ, di dời để đảm bảo mặt bằng cho việc thi công (dự tính đến tháng 6-2021). Sau khi nạo vét hoàn thành, UBND TP sẽ hướng dẫn các thủ tục có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có môi trường nước; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi phù hợp cho người dân. Từ sau năm 2022 trở đi sẽ chấm dứt toàn bộ hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò và trả lại cảnh quan tự nhiên của dòng sông để phục vụ cho việc phát triển du lịch của dòng sông này.

Tại Thị xã Điện Bàn, nơi tiếp giáp sông Cổ Cò với TP Đà Nẵng thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án nạo vét sau nhiều năm đình trệ cũng đang có những bước tiến triển mới. Theo ông Trịnh Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND P. Điện Ngọc thì theo bản đồ trước đây và quy hoạch của dự án, sông Cổ Cò chảy qua địa bàn phường dài khoảng 3km tuy nhiên khúc sông này từ lâu đã bị bồi lấp nghiêm trọng. Dự kiến, dự án này sẽ khơi thông sông rộng ra khoảng 100m và ảnh hưởng đến 26ha đất ruộng chuyển đổi của người dân. Đến nay, đa số các hộ dân đã đồng ý chủ trương giao đất cho dự án và số ít còn lại đang chờ sự thỏa thuận về giá của đơn vị thi công.

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đang nỗ lực trong công tác khơi thông dòng sông Cổ Cò kịp tiến độ để khớp nối với TP Đà Nẵng. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò trước tháng 9-2020. Hai địa phương cũng thống nhất sẽ triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của 2 địa phương. Theo đánh giá, dự án nạo vét sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cả hai địa phương. Con sông này từng là tuyến đường thủy an toàn nối liền phố cảng Hội An với tiền cảng Đà Nẵng trong những thế kỷ trước. Hiện nay, do sự biến thiên của khí hậu, thổ nhưỡng, sông dần bị bồi lấp và không còn được thông suốt như trước kia.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định hiện nay Quảng Nam rất quyết tâm trong việc khai thông sông Cổ Cò, kết nối tuyến du lịch với TP Đà Nẵng. “Hiện nay phía Đà Nẵng đã tiến hành triển khai thuận lợi nhưng phía Quảng Nam thì vướng phải một số khó khăn về giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó khúc sông này cũng khá cạn, bị bồi lấp nên việc khai thông không thể trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, vì mục tiêu dài lâu về phát triển kinh tế xã hội chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành việc nạo vét, khơi thông tuyến sông này đáp ứng mục tiêu đã đề ra”, ông Thanh cho biết.

H.D

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_211907_khai-thong-song-co-co-rat-quyet-tam-nhung-con-gap.aspx