Khai thác tối đa lợi ích của đô thị hóa tại châu Á

Mặc dù quy mô của các thành phố tại châu Á đang tăng lên, song các chính phủ chưa thể khai thác hết tiềm năng của các đô thị này như một động lực tăng trưởng và nguồn tạo việc làm.

Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Theo nhận định của Rana Hasan, Giám đốc phụ trách Nghiên cứu kinh tế và hợp tác khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nguyên nhân chủ yếu là thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị, thiếu sự quản lý giá nhà hợp lý, trong khi quy hoạch không gian và kinh tế đô thị không đồng bộ.

Các thành phố luôn đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế quốc gia. Đây cũng là nơi tập trung người lao động và các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự đổi mới và chia sẻ các tài nguyên như cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn.

Theo dự báo của Liên hợp quốc (LHQ), tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á, vào năm 2050 sẽ có 3 tỷ người sống ở các vùng đô thị - khu vực bao quanh các thành phố và thị trấn, chiếm gần 2/3 dân số ở lục địa này. Con số này tăng từ 1,8 tỷ người, tương đương khoảng một nửa dân số, trong năm 2017.

Chuyên gia Rana Hasan khuyến nghị các nhà quy hoạch, quản lý đô thị cần hiểu rõ và chi tiết quá trình đô thị hóa của quốc gia. Các nguồn dữ liệu mới là rất cần thiết, bởi nếu chỉ dựa vào những số liệu thống kê chính thức, các nhà quản lý thường không nắm bắt được quá trình đô thị hóa thực tế của các thành phố.

Ví dụ, một số dữ liệu về địa giới hành chính đô thị được thu thập từ nhiều thập kỷ trước. Hình ảnh vệ tinh cho thấy tiến trình đô thị hóa đang mở rộng tại nhiều thành phố ở châu Á theo một cách tự nhiên, vượt ra ngoài địa giới hành chính.

Nghiên cứu của ADB về Thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập ở các thành phố châu Á, bao gồm gần 1.460 đô thị mở rộng tự nhiên trên khắp các quốc gia đang phát triển ở châu Á, trong đó có các đô thị ở Trung Quốc (680), Ấn Độ (320) và Indonesia (93).

Bên cạnh đó, các thành phố đang dần hợp nhất để tạo thành các cụm đô thị: Từ 476 đô thị tự nhiên tách biệt vào năm 1992 đã liên kết với nhau để tạo thành 124 cụm đô thị hay siêu đô thị vào năm 2016.

Cụm đô thị lớn nhất là Thượng Hải ở trung tâm cùng các thành phố vệ tinh - nơi sinh sống của 91,5 triệu người và bao gồm tổng cộng 53 đô thị phát triển tự nhiên ở khu vực đồng bằng sông Dương Tử, bao gồm cả Nam Kinh và Hàng Châu.

Điều này có nghĩa là quá trình quy hoạch đô thị không thể chỉ dừng lại ở khía cạnh địa giới thành phố. Mạng lưới giao thông hiệu quả kéo dài từ các khu dân cư đến nơi làm việc có vai trò thúc đẩy rất lớn trong việc thu hút lao động đến làm việc tại các thành phố.

Đối với các cụm đô thị, việc đưa ra quyết định về nơi xây dựng những cơ sở hạ tầng quan trọng như các cơ sở xử lý nước và rác thải, trung tâm trung chuyển giao thông, các không gian xanh và khu công nghiệp, đòi hỏi sự phối hợp giữa các đơn vị chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay các công ty hoạt động trong các cụm thành phố đang phàn nàn về các “nút thắt” trong cơ sở hạ tầng và quy định.

Hạ tầng giao thông công cộng trong nội đô hoặc cụm đô thị sẽ góp phần tạo điều kiện hoạt động tốt cho cả doanh nghiệp cũng như năng suất lao động. Điều này đòi hỏi mạng lưới phương tiện công cộng nhanh, rẻ và hiệu quả. Các thành phố ở châu Á cần tập trung vào mặt trận này.

Các thử nghiệm sử dụng ứng dụng Google Maps ở 278 thành phố cho thấy tình trạng tắc nghẽn nặng nề trong thời gian phương tiện lưu thông cao điểm ở nhiều thành phố lớn, như Metro Manila ở Philippines, Dhaka ở Bangladesh và Bengaluru ở Ấn Độ.

Theo khảo sát, 199 thành phố có tình trạng giao thông công cộng đặc biệt thiếu thốn với 25% các chuyến đi không thể thực hiện bằng phương tiện công cộng. 75% còn lại, thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng (tính cả thời gian đi bộ đến và từ điểm trung chuyển) dài hơn ba lần so với đi bằng ô tô.

Điều này cho thấy rõ ràng các thành phố ở châu Á cần đầu tư nhiều hơn vào giao thông công cộng để các doanh nghiệp có thể thu hút lao động và phát triển thịnh vượng. Hệ thống giao thông đô thị cần có sự kết hợp và quản lý hiệu quả giữa tàu hỏa, xe buýt, taxi, dịch vụ chia sẻ xe và các loại hình phương tiện khác để cải thiện khả năng di chuyển của người dân.

Bên cạnh đó, quản lý giá nhà hợp lý cũng là yếu tố rất quan trọng để thu hút người lao động đến làm việc và sinh sống ở đô thị. Tuy nhiên, phân tích của ADB cho thấy tại hơn 90% các thành phố, giá nhà nằm ngoài khả năng chi trả của các hộ gia đình có thu nhập trung bình.

Các nhà hoạch định cần kết hợp giữa các chính sách giữa cung và cầu, bao gồm cả việc đánh giá lại các quy định sử dụng đất có thể vô tình hạn chế nguồn cung bất động sản.

Cuối cùng, các đô thị kết nối với nhau và với các khu vực nông thôn thông qua dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và con người. Tăng trưởng kinh tế quốc gia có thể mạnh mẽ và cân bằng một phần phụ thuộc vào các thành phố cỡ trung bình và thậm chí các thị trấn chuyên phân phối nông sản. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào giao thông liên tỉnh hiệu quả.

Bên cạnh nguồn ngân sách công còn hạn chế, các thành phố lớn nên thu hút nhiều hơn nguồn tài trợ của khu vực tư nhân. Các cụm đô thị lớn có lợi thế trong việc thu hút đầu tư tư nhân, bởi các trung tâm kinh tế - xã hội này hứa hẹn cơ hội phát triển cho các công ty lựa chọn địa điểm đặt trụ sở hoặc nhà máy ở đây.

Thêm vào đó, việc phân bổ ngân sách nhà nước cần được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều đô thị cỡ trung bình với dân số từ 1-5 triệu người hay thậm chí một số thành phố nhỏ hơn với dân số nửa triệu người vẫn thu hút người lao động di cư.

Tốc độ đô thị hóa ổn định tại châu Á mang lại những cơ hội chưa từng có cho khu vực, giúp tạo việc làm, đảm bảo tăng trưởng dài hạn và mạnh mẽ. Các chính phủ cần có đề án quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách một cách toàn diện và phù hợp với thực tiễn để không bỏ lỡ những tiềm năng đó./.

Mai Ly/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/khai-thac-toi-da-loi-ich-cua-do-thi-hoa-tai-chau-a/145410.html