Khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch sườn Tây Yên Tử

Tỉnh Bắc Giang lần đầu tiên vừa tổ chức Lễ hội du lịch (DL) sườn Tây Yên Tử vào dịp Xuân Mậu Tuất 2018. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bắc Giang về cơ hội phát triển ngành DL của địa phương.

Phóng viên (PV): Nói đến danh thắng Yên Tử, nhiều du khách chỉ biết Yên Tử sườn Đông thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Thế còn sườn Tây Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Bắc Giang có gì khác biệt, thưa ông?

Ông Trần Minh Hà: Tây Yên Tử là vùng đất linh thiêng, cảnh quan đẹp. Sườn Tây Yên Tử thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang. Đây là con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Khu di tích này nằm trong chiến lược khai thác tiềm năng, phát triển DL bền vững của tỉnh với ba sản phẩm đặc trưng là: Văn hóa-tâm linh, lịch sử-văn hóa, sinh thái-nghỉ dưỡng. Khu DL tâm linh sinh thái Tây Yên Tử được quy hoạch gồm có 4 chùa (chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng). Cùng với các di tích, danh lam thắng cảnh, đền, chùa nằm trải dài các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động cũng như cảnh đẹp thiên nhiên, nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc chính là thế mạnh của DL sườn Tây Yên Tử.

Ông Trần Minh Hà.

PV: Thưa ông, khi nói đến sản phẩm DL nghỉ dưỡng, DL sinh thái, người ta thường đề cao yếu tố cơ sở vật chất. Vậy cơ sở vật chất ở sườn Tây Yên Tử đã có những gì?

Ông Trần Minh Hà: Khu DL tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng Tây Yên Tử có quy hoạch gần 500ha, được đầu tư hệ thống cáp treo, hệ thống chùa chiền bằng nguồn xã hội hóa. Đến nay, các hạng mục công trình chính, như: Chùa Hạ, chùa Thượng, khu quảng trường, cáp treo, tuyến đường tỉnh 293, các tuyến đường dẫn đến trung tâm văn hóa, tâm linh sinh thái Tây Yên Tử cơ bản hoàn thành. Dọc tuyến đường Tây Yên Tử từ TP Bắc Giang đến khu DL tâm linh sinh thái Tây Yên Tử dài gần 80km, đi qua những điểm di tích, thắng cảnh hấp dẫn bên sườn Tây Yên Tử thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng. Số khách sạn, nhà nghỉ tại các huyện này gần 100 cơ sở, đa số mới là nhà nghỉ đã được phân loại xếp hạng, bước đầu đủ điều kiện phục vụ du khách. Tuy nhiên, hệ thống khách sạn lớn còn thiếu nên thời gian tới tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Du khách tham quan sườn Tây Yên Tử.

PV: Có thể thấy tuyến DL này rất rộng lớn, đòi hỏi du khách phải có nhiều thời gian trải nghiệm. Vậy địa phương có lễ hội gì để “níu chân” du khách?

Ông Trần Minh Hà: Năm nay, lễ hội được tổ chức trong ngày 26 và 27-2 (tức 11 và 12 tháng Giêng) tại thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Nội dung được đưa vào lễ hội gồm: Lễ rước tượng từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Hạ-Tây Yên Tử; phần hội có hội trại, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật của địa phương; thi đấu thể thao gồm các môn: Kéo co, đẩy gậy, múa rồng, múa lân… Đây là bước đầu nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về DL, thu hút đầu tư thực hiện dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử, tạo một vùng cảnh quan DL, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trong khu vực Tây Yên Tử.

PV: Tỉnh Bắc Giang đã có sự liên kết giữa sườn Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) để khai thác và hình thành chuỗi sản phẩm DL chưa, thưa ông?

Ông Trần Minh Hà: Từ năm 2014, Tỉnh ủy Bắc Giang và Tỉnh ủy Quảng Ninh đã họp bàn và thống nhất hợp tác phát triển giữa hai địa phương đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tháng 1-2018, hai tỉnh thống nhất phương án phối hợp kết nối hai khu vực, cùng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng Yên Tử; lan tỏa sâu rộng những giá trị tinh thần và tư tưởng nhân văn của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Việc tổ chức Lễ hội Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) với Lễ hội Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) sẽ tạo nên một lễ hội lớn của vùng và cấp quốc gia, thu hút du khách trong và ngoài nước. Thời gian tới, hai tỉnh tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, phối hợp hợp tác xúc tiến quảng bá DL vào dịp diễn ra các sự kiện DL, lễ hội; thiết lập các tua, tuyến kết nối DL giữa hai tỉnh. Để hạn chế tác động ảnh hưởng đến Lễ hội Yên Tử-Quảng Ninh, tỉnh Bắc Giang đã thống nhất với Giáo hội Phật giáo chọn thời điểm khai hội Tây Yên Tử hằng năm vào ngày 12 tháng Giêng (sau lễ khai hội Yên Tử-Quảng Ninh 3 ngày). Trong những năm trước mắt, tỉnh Bắc Giang chỉ tổ chức ở quy mô lễ hội cấp huyện.

Lễ hội Yên Tử kéo dài cả mùa xuân, vì vậy Bắc Giang đã có chương trình kết nối với Đông Yên Tử để thu hút du khách. Sở VHTTDL phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào một số khu, điểm DL và hỗ trợ phát triển DL cộng đồng, trong đó chú trọng một số khu, điểm DL như: Khuôn Thần, Đồng Cao, Khe Rỗ, Suối Mỡ, Xuân Lung Thác Ngà, dãy núi Nham Biền… Hiện nay, chính sách đó đang được hai sở tích cực xây dựng và dự kiến ban hành vào tháng 7-2018.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYÊN PHONG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/khai-thac-tiem-nang-the-manh-du-lich-suon-tay-yen-tu-533460