Khai thác tận diệt nhiều hải sản ở Quảng Ninh dần biến mất

Nhiều ngư dân ở Quảng Ninh đã bắt đầu cảm nhận sâu sắc về hệ lụy từ việc này và từng bước thay đổi phương thức đánh bắt.

Việc khai thác thủy hải sản bằng phương tiện tận diệt đã khiến nguồn lợi thủy hải sản bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế lâu dài của hàng nghìn ngư dân. Nhiều ngư dân ở Quảng Ninh đã bắt đầu cảm nhận sâu sắc về hệ lụy từ việc này và từng bước thay đổi phương thức đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản.

Nhiều ngư dân đã tham gia vào việc giám sát, cung cấp thông tin các vi phạm qua đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh .

Sở hữu hơn 250 km bờ biển với hệ thống sông ngòi cùng những vùng đất ngập nước tự nhiên rộng lớn, Quảng Ninh là địa bàn giàu nguồn lợi thủy, hải sản với trên 500 loài cá và 450 động vật thân mềm. Trong đó có những loại thủy sản đặc hữu rất nổi tiếng và có số lượng lớn. Tuy nhiên việc đánh bắt thủy sản bằng xung, kích điện, chã cào và chất nổ kéo dài hàng chục năm là một cách khai thác tận diệt để lại những tác hại lớn và lâu dài cho môi trường tự nhiên, nhất là khu vực gần bờ.

Bà Đỗ Thị Mai người dân xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ cho biết: “Giờ cá tôm thì đắt nhưng sản phẩm làm thì ít đi và vất vả. Trước kia làm có khả năng thu nhập về tôm cá cũng được vài ba triệu. Bây giờ mà vào chỗ có cũng chỉ được 5-7 trăm nghìn mà cũng chỉ ngày được ngày không”.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, tính đa dạng của vùng biển Quảng Ninh ngày càng giảm sút, những loại thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao đã biến mất như hải sâm, tôm mũ ni đỏ, sá sùng...

Trước thực trạng khai thác thủy hải sản bằng các ngư cụ tận diệt, tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý các phương tiện sử dụng ngư cụ cấm. Đây chính là biện pháp bảo vệ sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển, ven sông ở Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, ngư dân thị xã Quảng Yên thừa nhận: “Cấm lồng bát quái, chã điện là chính đáng. Điện thì sẽ ảnh hưởng đến các con tôm, con cá nhỏ. Lồng bát quái nhốt cả con tôm to tôm bé, bắt hết. Có nghĩa là tận diệt hết. Từ trước đến nay thì chã, điện hay là lồng bát quái bị cấm nên chúng tôi ở dưới đây không còn làm nữa”.

Từ những nhận thức này, nhiều ngư dân đã tham gia vào việc giám sát, cung cấp thông tin các vi phạm qua đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

Cụ thể trong 3 tháng đầu năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã nhận được gần 70 tin báo, tin tố cáo của người dân về các vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Những sản phẩm được đánh bắt từ chã cào, một ngư cụ bị cấm sử dụng.

Qua đó, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời xử lý nhiều trường hợp sử dụng ngư cụ cấm thu giữ 8 súng điện; hàng trăm mét dây lặn và lồng bát quái. Dù chưa nhiều nhưng những con số này đã cho thấy chuyển biến bước đầu về nhận thức của ngư dân trong việc chung tay tham gia việc bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và môi trường biển.

Ông Vũ Thành Tô, ngư dân thị xã Quảng Yên nói: “Nếu đánh bắt theo lối truyền thống sản lượng sẽ giảm. Nếu tính về lâu dài để lại nguồn thủy hải sản, sau này đến thế hệ con cháu còn biết con cá, con tôm. Nếu mọi người cùng làm tôi cũng sẽ làm”

Việc chấm dứt khai thác thủy hải sản tận diệt là cách tốt nhất để tái tạo nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên. Tuy nhiên, để ngư dân từ bỏ việc đánh bắt thủy hải sản bằng phương tiện tận diệt cần phải tăng cường tuyên truyền và có phương án chuyển đổi nghề nghiệp, tạo kế sinh nhai cho người dân./.

Vũ Miền/VOV - Đông Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/khai-thac-tan-diet-nhieu-hai-san-o-quang-ninh-dan-bien-mat-745700.vov