Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Đặng Minh Đức, hiện nay, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có mực nước ngầm thấp hơn ngưỡng trung bình; nhiều khu vực có chiều hướng gia tăng thành phần ô nhiễm và nếu không có giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm sẽ dẫn đến hạn hán, ô nhiễm nguồn nước, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.

Bảo vệ và hạn chế khai thác nước ngầm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Luật Tài nguyên nước quy định, cá nhân, đơn vị khai thác nước ngầm phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt ở khu vực chưa có nguồn nước cấp, khu vực hạn chế khai thác nước phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là cơ sở để quản lý, theo dõi biến động nước ngầm, từ đó đưa ra các phương án, biện pháp điều chỉnh, kiểm soát nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ mục đích lâu dài.

Đồng Nai triển khai nhiều giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm. Nguồn: ITN

Đồng Nai triển khai nhiều giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm. Nguồn: ITN

Vì vậy, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Cấp nước sạch giai đoạn 2021 - 2025, với tổng vốn đầu tư hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, nhằm bảo đảm nguồn nước cấp cho người dân; ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố nhắc nhở cá nhân, đơn vị đang khai thác nước trên địa bàn phải tuân thủ quy định lập thủ tục xin phép.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường công khai kết quả chất lượng quan trắc nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để thông tin, khuyến cáo đến người dân cân nhắc việc khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Tới đây, khi nước sạch đã được cung cấp đến với người dân thì UBND cấp huyện phải ngưng cấp phép khai thác nước dưới đất ở khu vực hạn chế. Đối với các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị đang hoạt động tại những nơi đã có nước cấp đấu nối đầy đủ, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh, không cấp phép hoặc gia hạn các giấy phép khai thác nước dưới đất, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tiến hành trám lấp, ngưng khai thác, sử dụng nước ngầm.

Theo Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường), Đồng Nai luôn đặt tiêu chí bảo vệ môi trường lên hàng đầu, góp phần hạn chế các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu. Bảo vệ nước ngầm và hạn chế khai thác là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ môi trường. Do đó, những nơi có hệ thống cấp nước tập trung khai thác từ nguồn nước mặt, tỉnh đều yêu cầu dừng khai thác nước ngầm, kết nối hệ thống cung cấp nước, trám lấp các giếng khoan, bảo vệ tài nguyên nước. Các doanh nghiệp, cá nhân thuộc thẩm quyền của tỉnh cấp phép khai thác nước dưới đất đều được tỉnh rà soát rất kỹ.

Kết quả là khoảng 5 - 6 năm nay, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP. Biên Hòa… đã chấp hành ngừng khai thác nước dưới đất theo chỉ thị của UBND tỉnh Đồng Nai.

Kiểm soát công trình chưa lập thủ tục cấp phép

Đại diện Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu cho biết, Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Quyết định số 297/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đều quy định tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất vượt quá 10m3/ngày phải làm thủ tục xin phép khai thác nước tại UBND cấp xã hoặc cấp huyện. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình khai thác nước ngầm đã hoạt động nhiều năm nhưng chưa lập thủ tục xin phép, gia hạn giấy phép.

Theo Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có 88 công trình cấp nước nông thôn do 3 đơn vị quản lý vận hành là đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hoặc cấp huyện), doanh nghiệp và UBND xã. Trong đó, hơn 20 công trình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh quản lý đã thực hiện thủ tục xin phép khai thác nước ngầm, đa phần công trình do cấp huyện và cấp xã quản lý chưa làm thủ tục này.

Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thực hiện rà soát tất cả công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, yêu cầu đơn vị quản lý vận hành thực hiện thủ tục giấy phép theo quy định. Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát một lần nữa, đồng thời yêu cầu địa phương kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tuân thủ quy định về giấy phép khai thác nước ngầm.

Theo UBND huyện Định Quán, hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng cộng 30 công trình cấp nước, trong đó, 28 công trình đã đầu tư và 2 công trình đang triển khai xây dựng. Theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều công trình chưa lập thủ tục giấy phép khai thác nước, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nhắc nhở các đơn vị quản lý vận hành tránh tình trạng công trình nhà nước quản lý vi phạm quy định.

Bạch Hạc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/khai-thac-su-dung-hieu-qua-nguon-nuoc-ngam-i310146/