Khai thác phế tích làm du lịch Ba Vì: Điều cần tránh

Chuyên gia cảnh báo phải hết sức tránh việc lợi dụng du lịch sinh thái để xây dựng các công trình bất động sản để thương mại hóa.

Từ những năm 1930, người Pháp đã cho xây dựng trên núi Ba Vì nhiều công trình phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của các gia đình sĩ quan Pháp. Qua thời gian, những công trình này hiện chỉ còn là phế tích giữa lòng Vườn quốc gia Ba Vì. Việc bảo tồn, tôn tạo các phế tích để phát triển du lịch được đặt ra, như là cách đánh thức tiềm năng của Ba Vì.

Tại buổi tọa đàm mang tên Phát huy giá trị phế tích của Vườn quốc gia Ba Vì do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức vào tháng 9 vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất giải pháp nhằm khai thác phế tích phục vụ du lịch như: Xây dựng trên phế tích một công trình mới, xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích, giữ nguyên phế tích nhưng cải tạo, nâng cấp để hình thành công trình mới trong đó có sự đan xen giữa mới và cũ cùng với hệ thực vật bám vào phế tích tạo ra những không gian sống mới ấn tượng và đặc sắc, hoặc bảo tồn phế tích thành điểm du lịch kèm theo bản giới thiệu về lịch sử ngôi nhà. Các kết kiến trúc cần hướng đến hòa quyện với thiên nhiên, với phế tích, các công trình cần “nhẹ, thoáng và mềm” được phân bổ theo tuyến, cụm để có hiệu quả trong phục vụ...

Phế tích nhà thờ Pháp cổ ở Vườn Quốc gia Ba Vì

Phế tích nhà thờ Pháp cổ ở Vườn Quốc gia Ba Vì

Quan tâm đến vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, trong chừng mực nào đó, các vườn quốc gia, khu bảo tồn vẫn được phép làm du lịch sinh thái, tuy nhiên chỉ ở những phân khu nhất định được quy định pháp luật cho phép. Chẳng hạn, nếu khai thác kinh doanh du lịch, cho xây dựng resort, bể bơi, biệt thự... trong vùng lõi vườn quốc gia thì không được.

Lưu ý cần có nghiên cứu, khảo sát kỹ càng trước khi xây dựng, thiết kế dự án, ông Nguyên nhắc lại những nghi ngại mà ông đánh giá là hợp lý của các chuyên gia môi trường về tình trạng lợi dụng du lịch sinh thái để xây dựng các khu bất động sản trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

"Chuyện này trước đây đã xảy ra ra rồi, không chỉ trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn mà nhiều dự án khác cũng khoác lên mình chiếc áo du lịch sinh thái nhưng thực chất là phân lô bán nền, xây dựng các công trình bất động sản để thương mại hóa", Giám đốc PanNature cảnh báo và nhắc lại sự việc xây dựng resort không phép tại chính Vườn quốc gia Ba Vì cách đây vài năm khi chưa có sự cho phép của Bộ NN-PTNT như một bài học cần lưu ý trong quá trình phát triển du lịch tại khu vực này.

Bởi vậy, trở lại với vấn đề khai thác các phế tích để phát triển du lịch tại Ba Vì, TS Trịnh Lê Nguyên nhấn mạnh, không ai phản đối phát triển du lịch sinh thái nhưng nó phải nằm ở ngưỡng cho phép, ở trong các khu vực quy hoạch được phép. Còn nếu chỗ nào cũng xây dựng lên thì sẽ phá tan quy hoạch vườn quốc gia, khu bảo tồn.

"Làm du lịch sinh thái một cách bài bản, đầy đủ, vừa kết hợp bảo vệ thiên nhiên với kinh doanh không dễ, ở Việt Nam chỉ có một vài nơi làm được thực sự. Nó đòi hỏi nhà đầu tư phải rất tâm huyết và hiểu biết", TS Trịnh Lê Nguyên nói..

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng) cho rằng, có thể bảo tồn, phục dựng các phế tích làm nơi tham quan, du lịch, nhưng không nhất thiết phải sửa chữa nó thành cái mới.

Vấn đề là cần có một hội đồng các chuyên gia đánh giá lại giá trị lịch sử của các công trình đó, từ đó mới có thể quyết định giữ lại cái gì, cái gì không cần giữ. Chẳng hạn, phế tích nhà thờ Pháp cổ ở Vườn quốc gia Ba Vì cần được bảo tồn, gìn giữ.

GS Lung lưu ý, du lịch ở vườn quốc gia, khu bảo tồn vừa có tính chất sinh thái vừa có tính khoa học. Để giữ được mục tiêu này cứ theo luật mà làm. Chúng ta đã có Luật Du lịch, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có rừng đặc dụng, vì thế việc bảo tồn với phát triển du lịch không khó, cái gì luật không cấm thì có thể làm.

Sau thời gian đánh giá hiện trạng các phế tích ở Vườn quốc gia Ba Vì, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất 5 nguyên tắc khai thác, bao gồm:

Bảo tồn nguyên trạng các kiến trúc Pháp cũ;

Phục dựng những không gian văn hóa - kiến trúc trên nền phế tích cũ;

Tạo không gian kiến trúc mới kết hợp nền phế tích cũ một cách hài hòa với thiên nhiên;

Xây dựng công trình mới bên cạnh phế tích cũ tăng tính tương phản cho quá khứ - hiện tại;

Tôn tạo cảnh quan mới trên cơ sở lựa chọn có chủ ý với các chủng cây xanh bản địa.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/khai-thac-phe-tich-lam-du-lich-ba-vi-dieu-can-tranh-3420128/