Khai thác nguồn năng lượng sinh khối từ vỏ trấu

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL có tiềm năng về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải nông nghiệp. Trong khuôn khổ hợp tác giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hiroshima (Nhật Bản), dự án phát điện sinh khối bằng đóng nén cố định vỏ trấu do Công ty Cổ phần Tromso (Nhật Bản) đề xuất mở hướng phát triển điện sinh khối, thực hiện xã hội carbon thấp…

Cải tiến

Những năm qua, TP Cần Thơ và tỉnh Hiroshima của Nhật Bản đã có nhiều hoạt động hợp tác kết nối kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Tromso phối hợp với Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh (quận Thốt Nốt) triển khai thực hiện dự án khảo sát tính khả thi công nghệ phát điện bằng vỏ trấu tại TP Cần Thơ trong năm 2019. Dự án phát điện sinh khối bằng đóng nén cố định vỏ trấu do Công ty Cổ phần Tromso đề xuất đã được thông qua trong dự án liên kết giữa các đô thị để thực hiện xã hội carbon thấp của Bộ Môi trường Nhật Bản.

Doanh nghiệp Cần Thơ trao đổi cùng đại diện Công ty Cổ phần Tromso về công nghệ phát điện từ vỏ trấu.

Doanh nghiệp Cần Thơ trao đổi cùng đại diện Công ty Cổ phần Tromso về công nghệ phát điện từ vỏ trấu.

Ông Uesugi, Giám đốc Công ty Cổ phần Tromso, chia sẻ: Những năm gần đây, mức độ nguy hại của thiên tai do biến đổi khí hậu ngày một tăng dần, Nhật đã phải chịu rất nhiều thiệt hại do bão lớn. Một trong những nguyên nhân là do sự nóng lên của trái đất từ ảnh hưởng của khí nhà kính. Là nhà sản xuất thiết bị tạo củi trấu, công ty đã bắt đầu nghiên cứu về việc phát điện bằng vỏ trấu từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để có thể phát điện bằng vỏ trấu cần có một lượng vỏ trấu rất lớn và không khả thi trong phạm vi nước Nhật. Vì lý do đó, công ty hướng tới Việt Nam, nơi phát sinh vỏ trấu quanh năm do sản xuất lúa gạo 2-3 vụ/năm để triển khai dự án này. Và bước đi đầu tiên triển khai khảo sát thực hiện ở TP Cần Thơ.

Trên thực tế, TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL đã từng có dự án về phát điện vỏ trấu được xây dựng nhưng sau đó hủy bỏ. Nguyên nhân các dự án không thực hiện được do nguồn vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp (DN) khó thu hồi. “Trong dự án này, chúng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải tạo lợi nhuận cho DN, đương nhiên mục đích của dự án là để hướng tới một xã hội carbon thấp. Nhưng nếu không có lợi nhuận thì DN cũng không thể tiến hành được”, ông Uesugi cho biết thêm.

Theo tính toán sơ bộ từ Công ty Cổ phần Tromso, vốn đầu tư ban đầu thực hiện dự án phát điện sinh khối bằng đóng nén cố định vỏ trấu tại Cần Thơ khoảng 1,5 tỉ yên (tương đương khoảng 40,5 tỉ đồng). Đây là số vốn khá lớn, nếu DN chỉ đầu tư thực hiện phát điện bằng vỏ trấu sẽ bị lỗ. Để đảm bảo lợi nhuận cho DN, công ty đề xuất phương pháp phát điện khí hóa. Sau khi phát điện, chất thải ra không phải là tro mà là than - một điểm quan trọng là than này có giá trị thương mại. Do củi trấu sử dụng được nghiền nhỏ trước khi ép, quá trình ép thực hiện bằng thiết bị ép chuyên biệt nên củi được ép với mật độ rất cao sinh ra than có giá trị cao. Ngoài ra, DN còn có thể bán tín chỉ từ giảm thiểu CO2 cho Nhật hoặc các quốc gia khác, góp phần bảo vệ môi trường.

Trường hợp thực hiện dự án, DN sẽ được hỗ trợ 30-50% chi phí đầu tư thiết bị từ “Cơ chế tín chỉ chung (JCM)”. Đây là cơ chế được thiết lập và triển khai nhằm thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ ít phát thải, góp phần phát triển kinh tế carbon thấp tại Việt Nam trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tính toán theo phương án trên, DN sinh lãi 9%/năm, sau 9 năm sẽ hoàn vốn và bắt đầu sinh lợi từ bán điện, than và tín chỉ CO2.

Phù hợp định hướng

Việt Nam đang hướng đến phát triển điện sinh khối, theo Quy hoạch phát triển điện sinh khối ĐBSCL giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 của Bộ Công thương, mục tiêu thực hiện phát triển nguồn điện sinh khối đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn trấu cho sản xuất điện. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, lắp đặt điện trấu 140MW; giai đoạn 2021-2030 lắp đặt điện trấu 150MW. Vì vậy, các địa phương trong vùng quan tâm thúc đẩy DN phát triển điện sinh khối. Ông Hồ Ngọc Tường, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, TP Cần Thơ nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp, công nghệ phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện trấu nhằm tận dụng nguyên liệu sẵn có. Trung tâm sẽ giới thiệu dự án này đến các DN và sẵn sàng hỗ trợ, kết nối khi DN có nhu cầu đầu tư thực hiện…

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Cần Thơ cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL có thế mạnh về nông nghiệp. Tuy nhiên, các phụ phẩm của nông nghiệp như vỏ trấu, rơm rạ vẫn chưa được tận dụng một cách triệt để. Do đó, công nghệ phát điện bằng vỏ trấu được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các DN xay xát, sản xuất lúa gạo trên địa bàn thành phố có thể tham khảo, nghiên cứu và triển khai áp dụng nhằm tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp. Qua đó, tăng lợi nhuận, đồng thời giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. TP Cần Thơ hiện đang nỗ lực trong việc lập kế hoạch hành động về không khí sạch, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Vì vậy, thành phố rất quan tâm đến dự án liên kết giữa các đô thị để thực hiện xã hội carbon thấp của Bộ Môi trường Nhật Bản mà tỉnh Hiroshima và Công ty Cổ phần Tromso đăng ký thực hiện khảo sát tại TP Cần Thơ. Thành phố sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ các DN Cần Thơ và tỉnh Hiroshima triển khai dự án...

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/khai-thac-nguon-nang-luong-sinh-khoi-tu-vo-trau-a117271.html