Khai thác nét Tràng An trên đất cố đô

Hướng tới kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long – Hà Nội, dự kiến được tổ chức vào tháng 10-2020, đất cố đô ngàn năm Ninh Bình hào hứng chuẩn bị chào đón sự kiện này. Khi cố đô càng lùi xa hơn ngàn tuổi, dấu ấn hào hoa Tràng An còn lại ở miền đất này càng rõ nét thu hút sự đầu tư nghiên cứu, khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch.

Bến thuyền khu du lịch Tràng An khai thác cảnh sắc non nước hữu tình của miền đất cố đô. Ảnh: TTH

Bến thuyền khu du lịch Tràng An khai thác cảnh sắc non nước hữu tình của miền đất cố đô. Ảnh: TTH

Tràng An là tên của vùng đất cố đô xưa gồm cả vùng rộng lớn sơn thủy hữu tình với cảnh sắc nguy nga tráng lệ, núi non trùng điệp như thành quách tự nhiên. Cố đô Hoa Lư nằm ở giữa vùng cảnh sắc đó bao bọc bởi sông Hoàng Long, dãy núi Tam Điệp, hào nước tự nhiên mênh mông ở Gia Viễn, tầm nhìn ra biển phía Kim Sơn và cánh đồng màu mỡ Nho Quan. Được sử sách ghi lại, không có vùng đất nào từng là cố đô đất Việt lại có địa hình hoàn hảo và đẹp như Ninh Bình. Không phải bỗng nhiên nơi này luôn lọt vào một trong số những vùng đất phát triển nhất về du lịch, nổi tiếng trên bản đồ thế giới, được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim của các nền điện ảnh tiên tiến và đặc biệt luôn có lượng khách nước ngoài tìm đến vào tất cả các mùa trong năm.

Khi nói đến nét thanh lịch Tràng An, dân gian không chỉ nói về núi non cảnh vật, mà còn hàm ý nói về cốt cách con người. “Không thơm cũng thể hoa nhài/ Dù không thanh lịch cũng người Tràng An” là câu ca nói về đất và người Hoa Lư xưa. Bởi là cố kinh phong kiến tập quyền đầu tiên nên tinh hoa của triều đại tích tụ bao nhiêu năm tiềm ẩn trong dân gian được phát lộ. Kiến trúc, điêu khắc, phong thủy, địa lý, triết học nhân sinh, nghề thủ công mỹ nghệ, văn học nghệ thuật... đều đồng loạt phát triển tạo nên sự phồn thịnh nhanh chóng. Cuộc dời đi khỏi Hoa Lư 90km về đất Thăng Long bên bờ sông Hồng đã làm rơi rớt phần lớn nét tinh hoa ấy. Nhưng cốt cách đất và người Tràng An thì vẫn còn lại dấu ấn trong di sản, tính cách con người.

Gần đây, làng gốm Bồ Bát ở xã Yên Thành, huyện Yên Mô của Ninh Bình bước vào thời kỳ khôi phục lại những tinh hoa thuở trước và đã thành công. Nguyên do đây là làng nghề đã từng theo vua Lý Công Uẩn ra Thăng Long vào năm 1010, làm nên làng nghề gốm Bát Tràng bên bờ sông Hồng. Trải qua hơn ngàn năm, gốm Bát Tràng tồn tại được là nhờ những thăng hoa từ tâm hồn người làm gốm, nét hào hoa quân tử, bàn tay khéo léo và tâm hồn trù phú của người thợ gốm thể hiện trên hình dáng, hoa văn gốm. Ít ai ngờ được, cái tinh hoa ấy lại khởi nguồn từ một miền quê chiêm trũng ngoại vi cố đô Hoa Lư xưa.

Ngày nay, truyền nhân nhiều đời của những thợ gốm Bồ Bát xưa đã phục hồi lại làng gốm cổ. Họ đã chứng minh rằng, gốm Bồ Bát không chỉ làm ra đồ gia dụng mà còn chế tác đồ cung đình, triều chính từ gốm dành cho kiến trúc tín ngưỡng, đến gạch, ngói nung, đồ gốm mỹ nghệ, trang trí. Vào thế kỷ X, thời kỳ hưng thịnh nhất của gốm Bồ Bát, làng nghề còn sản xuất đất nung để xây thành, những mẫu gốm đặc trưng của triều đại thể hiện sự sáng tạo, tài hoa của nghệ nhân. Thời Đinh – Tiền Lê ở Hoa Lư, gốm Bồ Bát là “lò xưởng” của triều đình. Ngày nay, những nghệ nhân gốm đương thời của Ninh Bình muốn mang cái vốn văn hóa đó ra làm tài nguyên để làm kinh tế du lịch, nối lại con đường di sản cũ và mới với Thăng Long – Hà Nội.

Không chỉ nghề gốm, ngay trong lòng vùng đất di sản cố đô Hoa Lư còn có nghề thêu ren Văn Lâm, nghề chạm khắc đá Ninh Vân, làng nghề cói Kim Sơn và nghề mộc Phúc Lộc. Điều thú vị là các làng nghề này đều còn đó bóng dáng của kinh thành phù hoa. Các nghề thủ công rất khó, đòi hỏi sự khéo léo tỉ mỉ như thêu, chạm khắc hay là đóng, chạm khắc mộc... được trao truyền rất dễ dàng qua hàng ngàn thế hệ, bởi ở đây vẫn còn nguyên các thiết chế làng xã, kết cấu dòng họ, gia đình tam đại, tứ đại đồng đường.

Ở trong gia đình, các thành viên truyền lại nghề cho nhau, sẵn sự khéo léo kiên nhẫn vốn có của người Tràng An, nghề quý được lưu giữ. Đặc biệt, những nghề này tồn tại và phát triển trong đời sống nhờ sự thiết thực. Không phải bỗng nhiên bộ mặt các làng xã, kiến trúc, nơi thờ tự, sskể cả nhà ở của người dân tại đất cố đô đều có sâu sắc nét văn hóa với các nét chạm khắc mộc, khắc đá rất đẹp, duyên dáng. Đó là vốn di sản còn lại rất quý giá có thể trở thành tài nguyên du lịch văn hóa lâu dài cho Ninh Bình.

Hành trình tìm lại di sản tinh hoa Tràng An chưa đầy 100 cây số, khoảng cách không quá xa để khách du lịch sẵn sàng rời Thủ đô Hà Nội đến miền đất dời đô cách đây 1.010 năm về trước. Với một năm nhiều biến động về thị trường du lịch như năm 2020, kế hoạch Năm Quốc gia du lịch Ninh Bình chủ đề “Hoa Lư - cố đô ngàn năm” bị phá sản nhiều hạng mục. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Ninh Bình chuẩn bị kỹ càng các dự án phục dựng lại hồn cốt hào hoa của kinh thành cũ, để tự nhiên chọn lọc và điều tiết nhịp độ phù hợp. Tháng 10 tới đây, cuộc kết nối cũ và mới giữa Hoa Lư - Ninh Bình và Thăng Long - Hà Nội, dấu ấn 1.010 năm sẽ rõ chủ đề hơn những năm trước, hướng sự chú ý của dư luận và thị trường du lịch vào cộng đồng, đó chính là con đường phát triển di sản của miền đất cố đô.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khai-thac-net-trang-an-tren-dat-co-do-post432313.html