Khai thác mỏ 'vàng trắng' (bài 4)

Nghệ thuật dẫn dụ chim yến trở thành một nghề chăn nuôi đầu tư lớn, lợi nhuận cao ở nước ta. Vì nó mới phát triển so với các loại hình chăn nuôi khác, đã nảy sinh ra nhiều vấn đề trong thực tiễn, đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ, để đưa tổ yến thành sản phẩm quốc gia, trị giá hàng tỉ USD ở vùng nông thôn. Phóng viên báo Biên phòng đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ông Trọng cho biết:

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng. Ảnh: Hải Luận

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trọng. Ảnh: Hải Luận

Bài 1: Người ở nhà cấp 4, yến ở nhà lầu

Bài 2: Tiến sĩ yến sào

Bài 3: “4 vùng chiến thuật” nuôi yến của Kiên Giang

Bài 4: Hướng đến nghề nuôi yến bền vững?

Hiện nay, đã có 42 tỉnh, thành trong cả nước có nhà nuôi chim yến với tổng số trên 8.500 nhà. Trên thực tế, số lượng nhà yến sẽ lớn hơn nhiều và giá trị có thể đạt đến 1 tỉ USD. Tốc độ phát triển của nghề nuôi yến trong dân đã tăng nhanh, về thể chế chính sách Nhà nước chưa theo kịp với thực tiễn. Mãi đến nhiều năm sau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành thông tư quản lý tạm thời.

Nuôi yến được quy định trong luật

- Từ đầu năm 2019, từ các tỉnh Nam Trung Bộ vào Nam Bộ vẫn phát triển nhà nuôi chim yến khá nhiều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo tốc độ phát triển nhà yến thời gian tới như thế nào?

- Số nhà nuôi chim yến sẽ tăng mạnh thời gian tới, nhưng số lượng quần thể đàn yến sẽ không tăng kịp theo tốc độ phát triển nhà nuôi. Hiện nay, nước ta chưa có một quy chuẩn nào về nhà nuôi chim yến, người dân cứ làm tự phát và “trăm hoa đua nở” đầu tư tiền tỉ vào nhà yến. Người xây 4 – 6 tầng, người xây 2 – 4 tầng, người cơi nới tạm thời. Đâu phải cứ xây dựng nhà yến sẽ có yến về ở 100% đâu, có nhiều hộ bị thất bại. “Chim trời, cá nước” may mắn thì có yến về ở nhiều, không may thì chỉ có nhà không, thế là thất bại.

Nhà nước đang đưa ngành chăn nuôi chim yến vào quản lý có điều kiện, không thả lỏng như vừa rồi. Tất nhiên phải có lộ trình, những vùng cấm không được nuôi thì không phát triển thêm nhà nuôi yến mới. Còn những nhà lỡ đã đầu tư rồi phải có lộ trình di dời, để đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và phát triển bền vững. Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh quy hoạch và quản lý vùng nuôi tập trung, thích hợp với điều kiện sinh thái phù hợp.

- Thời gian vừa qua, một số địa phương đã ban hành quy định quản lý nghề chăn nuôi yến, có những điểm quy định không sát với thực tiễn, dẫn đến “xung đột” giữa người dân với chính quyền cơ sở. Trung ương có hướng “gỡ” nào cho địa phương?

- Thực ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ đã ban hành nhiều thông tư, nghị định về quản lý nghề nuôi chim yến. Đối chiếu và cọ xát với thực tiễn thì có nhiều chỗ còn lỏng lẻo. Chính vì vậy, quản lý nghề chăn nuôi chim yến đã được đưa vào quy định trong Luật Chăn nuôi, có hiệu lực ngày 1-1-2020. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của người dân để hoàn thiện các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020 luôn, không phải chờ đợi. Quan điểm của Chính phủ luôn luôn khuyến khích phát triển nghề chăn nuôi yến ở quy mô lớn, bởi lợi nhuận đem lại rất cao so với các nghề chăn nuôi khác.

- Tổ chim yến đang hoàn thiện thủ tục để Chính phủ công nhận “sản phẩm quốc gia”. Về chất lượng tổ yến mới chỉ có doanh nghiệp tự công bố và truyền miệng từ thời vua chúa đến giờ. Theo ông, Nhà nước có cần công bố chất lượng của tổ yến như thế nào?

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia về sản phẩm tổ yến, trong đó, phải công bố thành phần dinh dưỡng của tổ yến. Tôi lấy ví dụ, tổ “yến huyết” hiện có giá 250 triệu đồng/kg, vậy phải chứng minh được tổ “yến huyết” khác với tổ “yến trắng” như thế nào? Vì giá tổ yến trắng chỉ từ 40 – 70 triệu đồng/kg. Rồi chất lượng tổ yến đảo khác với tổ yến nhà ra sao? Muốn làm được điều này, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có những công trình nghiên cứu sâu, mới đủ cơ sở dữ liệu khoa học về chất lượng tổ yến và công bố rõ cho người dân biết. Bộ Xây dựng có bộ quy chuẩn xây dựng nhà nuôi yến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy chuẩn về chăn nuôi; Bộ Y tế quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy mới tạo được tính thống nhất trên toàn quốc về quy chuẩn sản phẩm quốc gia.

Tạo thị trường xuất khẩu bền vững

- Hiện nay, nuôi chim yến vẫn theo từng hộ dân, mang tính rời rạc, phân tán ra nhiều vùng. Theo ông, cần có liên kết nhiều hộ với nhau để sản xuất lớn hay không?

- Đây là một vấn đề lớn, bởi trên thực tế, chủ yếu tư nhân làm nhà nuôi yến vẫn phát triển theo riêng lẻ từng hộ. Sản phẩm yến có giá trị kinh tế lớn ở thị trường quốc tế, về lâu dài phải có tính liên kết với nhau giữa các nông hộ. Khuyến khích các hộ nuôi thành lập tổ nhóm, hợp tác xã, chi hội, hiệp hội yến sào đủ mạnh để liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ giá thành xuống, vô hình trung, ta tự “giết” ta tại sân nhà. Khi có những hợp tác xã mạnh, sẽ sản xuất theo chuỗi sản phẩm, rồi tính đến chuyện chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm như: Các loại nước uống, dược phẩm, mỹ phẩm... xuất khẩu ra các nước trên thế giới.

Lâu nay, ta đang xuất khẩu theo tiểu ngạch, dưới dạng sản phẩm thô, giá trị của sản phầm không được cao. Công ty Đông Nam Yến Đô, Trung Quốc, mỗi năm tiêu thụ 150 tấn, trong khi sản lượng tổ yến cả nước ta chưa đạt 70 tấn/năm. Sắp tới, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc tại thành phố Hạ Môn (Trung Quốc) và các tỉnh lân cận, có nội dung bàn về xuất khẩu tổ yến theo đường chính ngạch vào thị trường khổng lồ này.

Tổ yến đã qua sơ chế được bán với giá 50 triệu đồng/kg tại thành phố Nha Trang cho khách du lịch. Ảnh: Hải Luận

- Có ý kiến cho rằng, nên thành lập viện nghiên cứu về yến sào để huy động các nhà khoa học, tập trung nghiên cứu chuyên sâu công nghệ nuôi và chế biến sản phẩm yến. Quan điểm của ông như thế nào?

- Nếu Nhà nước thành lập riêng một viện nghiên cứu về con chim yến thì không khả thi trong thời điểm này. Vì Nghị quyết của Đảng đang thu gọn các đơn vị sự nghiệp, riêng các viện nghiên cứu đang đi theo hướng tự chủ tài chính, làm theo đơn đặt hàng. Bộ rất ủng hộ các doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu, chẳng hạn Công ty Yến sào Khánh Hòa đủ sức để thành lập viện nghiên cứu riêng của mình. Lâu nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã có những công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp tỉnh: Công trình di dời đàn yến từ hang này qua hang khác, từ đảo này qua đảo khác; ứng dụng công nghệ chế biến sâu, ra nhiều sản phẩm từ tổ yến; các biện pháp ấp trứng nhân tạo để tăng đàn chim.

Trước mắt, viện nghiên cứu sẽ phục vụ chính lợi ích của công ty, sau đó phổ biến, nhân rộng ra toàn quốc. Vừa rồi, Công ty Yến Quân, thành phố Hồ Chí Minh đã ký với Công ty Đông Nam Yến Đô, xây dựng một trung tâm khảo nghiệm ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, chuyên kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng tổ yến để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã có bộ quy chuẩn quốc gia về tổ yến rồi. Ở nước ta, Cục Chăn nuôi đang gấp rút xây dựng để sớm công bố bộ quy chuẩn quốc gia tổ yến, phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Thời gian tới đây, ngành chăn nuôi chim yến nước ta sẽ có bước phát triển lớn, mang tính bền vững lâu dài.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khai-thac-mo-vang-trang-bai-4/