Khai thác mỏ 'vàng trắng' (bài 2)

'Yến là loài chim hoang dã, khi có biến động của thiên nhiên, nó sẽ di cư qua lại, từ Malaysia sang Việt Nam; từ Thái Lan, Philippines, Campuchia qua lại với nhau. Đây là nghề chăn nuôi mới ở nước ta, 100% phải dùng phương pháp dẫn dụ chim trời vào nhà nuôi. Vui thì nó ở, buồn nó bỏ đi. Vấn đề đặt ra phải nghiên cứu sâu về đặc tính sinh học của chim, mới 'dụ' được nó. Mở rộng ra, cần lắm hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học với các nước về chim yến' - Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Võ Tấn Phong, Trưởng bộ môn Khoa học, Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, một trong hai Tiến sĩ chuyên ngành chim yến đầu tiên ở Việt Nam.

Bài 1: Người ở nhà cấp 4, yến ở nhà lầu

Bài 2: Tiến sĩ yến sào

Tiến sĩ Võ Tấn Phong. Ảnh: Hải Luận

Tiến sĩ Võ Tấn Phong. Ảnh: Hải Luận

“Tại sao nhiều người đã đầu tư 2 – 5 tỉ đồng xây dựng nhà yến to đùng, sau thời gian dài, chim yến vẫn không vào cư ngụ? Có nhiều trường hợp chim có vào nhà, nhưng với số lượng rất ít? Đa số người dân nuôi yến “học lỏm” lẫn nhau, đêm nằm nghĩ ra sáng kiến theo ý chủ quan của mình, áp dụng ngay vào nhà nuôi. Đây là một điều tai hại nhất. Muốn phát triển nghề nuôi yến bền vững, phải hiểu đặc tính của nó” – Tiến sĩ Phong ra đề bài.

Lập đội cứu hộ yến con

Tiến sĩ Võ Tấn Phong vốn là giáo viên môn Sinh học, trường cấp 3, thành phố Hội An, vì quá yêu con chim yến nên đã làm nghiên cứu sinh đến bậc tiến sĩ và trở thành chuyên gia chim yến ở miền Trung. Tiến sĩ Phong kể về lúc mới đến đảo nghiên cứu: “Những ngày đầu ra đảo, trèo đến những hang chim yến cư ngụ ở Cù Lao Chàm vô cùng ấn tượng, nếu không có tình yêu thực sự với loài chim đặc biệt này, rất dễ “đào ngũ” nửa chừng, vì sự khó khăn leo trèo trên những vách đá cheo leo, vì sóng gió nguy hiểm. Thấy cảnh một số công nhân lấy trứng chim yến luộc ăn, hay bắt những con chim non bị rơi từ tổ xuống, đưa vào bếp nướng ăn, tôi xót xa lắm, nhưng không dám nói, vì sợ họ đuổi tôi đi khỏi đảo, công trình nghiên cứu bị đổ bể. Lâu dần, tôi làm quen và tỉ tê với từng người: “Con chim yến ở đảo nó nuôi sống gần 80 hộ gia đình của Ban quản lý, chưa nói đem lại lợi nhuận cho tỉnh nhà. Sao mình nỡ ăn nó?”. Nhiều người đã nhìn ra sự việc và nỗ lực bảo vệ đàn chim rất tốt”.

Tiến sĩ Phong đã ở lại hằng tháng trên đảo để theo dõi tập tính con chim yến. Chẳng hạn, bắt đầu tờ mờ sáng, chim rời tổ bay đi kiếm ăn cách xa 20 – 70km, chiều tối mới bay về tổ, mỗi cặp chim chỉ đẻ 2 trứng/lần, mỗi năm đẻ từ 2 – 3 lần. Nó chỉ ấp và chăm sóc chính trứng của nó đẻ ra, giả sử có đánh đổi trứng từ tổ này qua tổ kia, chim mẹ phát hiện ra sẽ lập tức hất trứng văng ra khỏi tổ.

Hằng ngày, tiến sĩ Phong nhìn thấy cảnh chim non bị văng ra khỏi tổ, rơi xuống vách đá, rất xót thương. Do thời tiết nắng nóng làm cho tổ chim bị khô, bong tróc khỏi vách núi, cả tổ và chim rơi xuống. Mỗi năm, ở Cù Lao Chàm có hàng nghìn chim con bị rớt khỏi tổ chết non. Muốn tăng đàn lớn, cần phải có biện pháp bảo vệ số lượng chim non bị chết hằng ngày.

Tiến sĩ Phong vào Khánh Hòa học tập kinh nghiệm, về thành lập đội cứu hộ chim non. Bằng cách căng tấm lưới phía dưới, khi chim con rơi xuống được giữ lại an toàn, sau đó thu gom về trạm chăm sóc, nuôi đến khi trưởng thành, thả lại tự nhiên. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, số chim được cứu sống thả về tự nhiên chỉ chiếm khoảng 10%, sau đó tăng dần lên 30, 50%.

Chim yến mẹ ấp trứng trong tổ. Ảnh: Hải Luận

Làm khoa học không chỉ ngồi suy đoán, đặc biệt là loài chim hoang dã như yến, người dân đang bỏ vốn đầu tư rất lớn thì không thể “độ chế” ra kiến thức xa rời thực tiễn. Tiến sĩ Phong đã hùn vốn đầu tư với người bà con ở quê Duy Xuyên, xây một nhà nuôi yến để thỏa sức nghiên cứu khoa học bằng mô hình thực tiễn của riêng mình. Muốn hiểu sâu, tiến sĩ Phong đã mổ bụng con chim yến, lấy từng mẫu thức ăn gửi ra viện nghiên cứu ở Hà Nội nhờ phân tích và kết luận từng loại côn trùng chim đã ăn.

Rồi anh mò lên những đồng ruộng, đi theo người nông dân xịt thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng bay lên, anh lấy vợt chụp, mang về đối chiếu với những mẫu thử trong ruột chim yến, kết hợp theo dõi chim bay lượn chụp mồi tại cánh đồng. Thấy trùng khớp với nhau, mới có kết luận chim yến thường hay ăn ở vùng nào, đặc điểm khí hậu, thời tiết, sức gió như thế nào. Theo tiến sĩ Phong, người nuôi chim yến cần lắm những kiến thức này, từ đó mới định hình được vùng nuôi có khả thi hay không?

Điểm mấu chốt: Nơi ở và thức ăn

Sau gần 10 năm dày công nghiên cứu công trình khoa học chim yến ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ, anh Phong đi đến kết luận yếu tố quyết định thành công hay thất bại trong chăn nuôi chim yến, đó là “nơi ở” và “thức ăn” của chim yến. Tiến sĩ Phong đưa thông tin: “Qua nghiên cứu, chim yến cho tổ ăn được tại Việt Nam chỉ sống ở những hang đá vắng vẻ, cheo leo ngoài biển. Từ thời vua Trần Nhân Tông (năm 1301), người dân đã phát hiện ra tổ yến và khai thác về tiến vua. Bây giờ, người dân xây dựng nhà dẫn dụ chim yến về nhà làm tổ, cần quan tâm đến các yếu tố đặc tính sinh học của con yến: “An toàn” là tránh được địch hại (chim cú, chim cắt, mèo, rắn, chuột, tắc kè...). Chim yến chỉ cần thấy động vật gây hại, sẽ hoảng sợ bay đi, nếu có ở trong nhà rồi, nó bỏ đi rất nhanh. Nhà nuôi phải có nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thích hợp”.

Đối với các tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc, vào mùa rét đậm kéo dài nhiều ngày, cần có phương án chống rét cho chim yến. Đã xảy ra tình trạng yến chết hàng hoạt do rét đậm. Nhiệt độ lý tưởng cho chim yến từ 27 - 29oC.

Khi chọn xây dựng nhà yến, nên tìm những cánh đồng chim yến ăn là những khu rừng, cánh đồng lúa, cánh đồng mía, dọc ven sông, hàu nước... “Chim yến bay suốt cả ngày, không bao giờ đậu ở bất cứ chỗ nào. Thời kỳ sinh sản, nó kiếm ăn ở quanh nhà, bay vào bay ra nhiều lần để làm tổ hoặc cho chim con ăn. Thức ăn của yến là những loài côn trùng bay trên không trung. Nếu như chọn xây nhà yến ở xa cánh đồng ăn của chim là một bất lợi đã nhìn thấy trước mắt. Khi nguồn thức ăn không đảm bảo, chim yến phải di cư đến những vùng khác dồi dào thức ăn hơn. Không chỉ có người nuôi chim yến quan tâm đến điều này, mà các nhà hoạch định chính sách ở địa phương cũng cần quan tâm đến điều này, để khi quy hoạch vùng nuôi chim yến cho trúng với thực tiễn, là hệ sinh thái của chim yến” - Tiến sĩ Phong tâm đắc chỉ ra điểm quan trọng.

Tiến sĩ Võ Tấn Phong mong muốn, Nhà nước phát triển quần thể chim yến tại các tỉnh, thành có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, bởi ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế, tạo công ăn việc làm ở các vùng nông thôn. Chim yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ phát triển đàn chim yến. Nguồn thức ăn của chim yến là côn trùng trong thiên nhiên sẽ bảo vệ mùa màng cho nông dân.

“Khi tiến sĩ Phong về làm việc ở Ban Quản lý và khai thác yến Cù Cao Chàm, đã đề xuất những giải pháp làm tăng sản lượng khai thác tổ yến. Ví dụ, làm hệ thống dẫn dụ và di dời đàn yến sang ở những hang mới (hang cũ quá dày đặc), làm hệ thống chắn sóng biển, bảo vệ những tổ yến ở dưới thấp, xây dựng nhà trú bão cho yến tại đảo. Những lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phong sẽ giúp cho người dân nuôi yến có thêm nhiều kiến thức bổ ích, tránh đầu tư tiền tỉ rồi làm sai kỹ thuật. Tỉnh Quảng Nam hiện có trên 200 nhà nuôi chim yến”.– Ông Cao Văn Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý và khai thác yến Cù Cao Chàm, tỉnh Quảng Nam, tự hào có Tiến sĩ chuyên ngành về yến.

Bài 3: “4 vùng chiến thuật” nuôi yến của Kiên Giang

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khai-thac-mo-vang-trang-bai-2/