Khai thác mỏ sắt Thạch Khê từ góc nhìn khoa học

Mỏ quặng sắt Thạch Khê được phát hiện từ năm 1960, nằm trên địa phận 3 xã Thạch Khê, Thạch Đỉnh và Thạch Hải thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Với trữ lượng thăm dò là hơn 450 triệu tấn, Thạch Khê được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Đoàn chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam thực địa tại mỏ sắt Thạch Khê trong chuyến làm việc với tỉnh Hà Tĩnh tháng 6/2017. Ảnh: Thanh Hoài.

Đoàn chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam thực địa tại mỏ sắt Thạch Khê trong chuyến làm việc với tỉnh Hà Tĩnh tháng 6/2017. Ảnh: Thanh Hoài.

Tháng 6/2017, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Vusta) và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị tham vấn, tại đây các chuyên gia lo ngại về năng lực của chủ đầu tư và công nghệ khai thác. Hầu hết các ý kiến đề cho rằng mặc dù các hồ sơ đều hoàn thiện nhưng việc khai thác một mỏ sâu âm 500m là chưa có tiền lệ, công nghệ khai thác thác không phải là công nghệ tiên tiến nên cần thận trọng. Ngoài năng lực thì chủ đầu tư cần đánh giá tính toán chuẩn xác các vấn đề của thị trường, sản phẩm, công nghệ trong thời điểm hiện tại vì trên thực tế ảnh hưởng của khu vực và thế giới về khai thác mỏ là rất quan trọng. Ngay sau chương trình khảo sát, Vusta cũng đã tổ chức Hội thảo tại Hà Nội về vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Tại đây các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực đã khuyến cáo những vấn đề được mất khi khai thác, thận trọng đối với môi trường và năng lực của chủ đầu tư, công nghệ.

Trước hàng loạt lo ngại về khai thác thác của dự án này, các bộ, ngành đã phải tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến để quyết định “số phận” của mỏ Thạch Khê. Tại họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đã khẳng định là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, xuất phát từ 4 quan ngại: Năng lực nhà đầu tư; tác động môi trường; thị trường tiêu thụ quặng sắt; giao thông vận tải.

Theo nghiên cứu đánh giá, việc khai thác mỏ sắt có trữ lượng lớn này về lợi ích đã quá rõ, bên cạnh cái được là cái mất cũng không hề nhỏ. Nếu khai thác ảnh hưởng nhất là vấn đề an sinh, môi trường nên cần phải được xem xét thận trọng, tuy nhiên không khai thác cũng dẫn đến nhiều thiệt hại đã đầu tư, thay đổi quy hoạch đây là những vẫn đề khó cho công tác quản lý.

Nếu không xem xét các yếu tố về kinh tế, đầu tư, quy hoạch từ góc nhìn khoa học có thể thấy dự án Thạch Khê có thể ảnh hưởng sâu đến các vấn như việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề môi trường sinh thái trong tương lai như gia tăng hiện tượng cát bay,cát nhảy, phát vỡ hệ sinh thái đặc biệt là hiện tượng tụt mạch nước ngầm của các vùng phụ cận; Nguồn vốn và năng lực nhà đầu tư còn yếu, công nghệ đưa ra chưa phù hợp cho việc khai thác ở độ sâu -500m sẽ dẫn tới những rủi ro trong khai thác về vỡ moong, chưa tính đến các yếu tố liên quan như bão, sóng thần sẽ gây hậu quả về môi trường không lường; Ngoài ra, việc khai thác kéo dài không khả thi đã ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt việc xây dựng bãi thải lấn biển không khả thi ảnh hưởng sâu đến vùng dự án. Hơn 10 năm triển khai Dự án người dân các xã vùng Dự án không được cấp đất ở, không được xây dựng, cơi nới nhà ở, trong khi nhu cầu là rất lớn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người sân. Đặc biệt là người dân mất đất sản xuất nông nghiệp nhưng không có việc làm, không được đào tạo chuyển đổi nghề nên nhiều hệ lụy xảy ra.

Từ so sánh đối chiếu các nhà khoa học địa phương và Liên hiệp Hội Việt Nam đã đưa ra 3 kịch bản cho Thạch Khê: Thứ nhất, nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro; Thứ hai, chấm dứt hoạt động, cam chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra; Thứ ba, tạm dừng hoạt động của dự án. Với vai trò là tổ chức khoa học kỹ thuật địa phương, chúng tôi cho rằng cần thận trọng xem xét việc tiếp tục khai thác trong đó cần xem xét quyết định dự án sớm ổn định kinh tế xã hội, khi hội tụ đầy đủ yếu tố đảm bảo sẽ khởi động việc khai thác trong tương lai.

Vì vậy, nếu dừng dự án sẽ có những mặt tích cực sau: Việc dựng dự án sẽ tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xẩy ra trong suốt đời dự án; Môi trường sinh thái, môi trường sống dân cư vùng ảnh hưởng sẽ được hoàn trả nguyên trạng;khôi phục hiện trạng, ổn định đời sống nhân dân vùng ảnh hưởng; đặc biệt, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng cho phát triển bền vững, nhất là sau sự cố môi trường xẩy ra trong thời gian vừa qua; Tạo điều kiện để phát triển du lịch dịch vụ Khu du lịch Thạch Hải nói riêng và dọc dải ven biển Hà Tĩnh nói chung; khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản; Cái được lớn nhất là về lâu dài, phát triển kinh tế - xã hội sẽ bền vững, tăng trưởng kinh tế sẽ đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc 13 dải ven biển; sẽ không đặt ra các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối với phần vốn đã đầu tư cũng không hoàn toàn là mất trắng vì trong số vốn đầu tư đó một phần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bồi thường GPMB, đào tạo nghề, nộp ngân sách; khoản đầu tư này người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án và nhà nước được hưởng lợi, có thể xem đây như là khoản bù đắp của doanh nghiệp và nhà nước cho người dân địa phương đã chịu nhiều thiệt thòi do việc dừng dự án gần 10 năm qua; ngoài ra, phần vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng cho các dự án khác hoặc thanh lý thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm bớt thiệt hại. Với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, tính chất đặc biệt phức tạp về vị trí địa lý, địa chất thủy văn, cấu tạo quặng, công nghệ và xử lý môi trường, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn… đòi hỏi phải hết sức thận trọng khi lựa chọn nhà đầu tư khởi động lại dự án. Các hệ lụy, rủi ro tiềm ẩn nếu triển khai dự án có thể tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất.

Tiếp tục khai thác hay dựng lại ở mỏ sắt Thạch Khê là vấn đề phức tạp, cần được xem xét đa chiều, đặc biệt từ bài học Fomosa nên nghiên cứu kỹ đến yếu tố môi trường và phát triển bền vững. Việc khai thác tiềm năng cần giữ mối liên hệ tác động của sự phát triển kinh tế, an sinh lâu dài.

Nguyễn Thanh Sơn Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khai-thac-mo-sat-thach-khe-tu-goc-nhin-khoa-hoc-66648