Khai thác lợi thế để phát triển du lịch

Xứ Ðoài nổi tiếng với cảnh quan đẹp, nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Trong đó, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì là trung tâm của vùng văn hóa xứ Ðoài, đồng thời là khu vực có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất của Thủ đô. Ðây là lợi thế lớn để kết nối phát triển các tua du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp khám phá văn hóa vùng. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, khu vực này vẫn cần được hỗ trợ để có thể hiện thực hóa tiềm năng du lịch.

Vào những ngày này, UBND huyện Ba Vì đang gấp rút chuẩn bị cho lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh tại di tích lịch sử văn hóa đền Hạ, xã Minh Quang. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng, là một trong những lễ hội lớn nhất xứ Ðoài. Theo truyền thống, vào 0 giờ ngày 13 tháng Giêng, người dân xã Minh Quang chọn một số nam thanh, nữ tú chèo thuyền ra giữa dòng sông Ðà lấy nước để dâng Ðức Thánh Tản Viên. Lễ rước nước được xem là một trong những điểm nhấn đặc biệt của lễ hội. Ðoàn người rước kiệu trong trang phục truyền thống, bơi thuyền ra giữa sông Ðà lấy nước trong đêm, với đèn đuốc sáng trưng, tạo một khung cảnh ngoạn mục. Cùng lúc ấy, người dân sinh sống hai bên tuyến đường rước cũng thắp hương thành kính tri ân. Sau phần lễ là phần hội. Ðặc điểm của lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là có các trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, leo núi, đẩy gậy... Ðúng vào dịp tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì cũng khai mạc các hoạt động du lịch của năm 2019, với chủ đề “Du lịch xanh Ba Vì - Ðiểm hẹn văn hóa”.

Huyện Ba Vì có lợi thế đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên và di sản. Núi Ba Vì, hay còn gọi núi Tản Viên có độ cao 1.281 m. Trên dãy núi này có những cánh rừng bạt ngàn, những con suối, thác nước tạo nên cảnh quan hùng vĩ. Tận dụng lợi thế này, nhiều khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đã hình thành. Nổi bật nhất phải kể đến khu du lịch quốc gia Suối Hai, Vườn quốc gia Ba Vì và các khu du lịch: Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà, Ðầm Long, hồ Tiên Sa..., những điểm đến thú vị của người dân Thủ đô cũng như khách quốc tế. Núi Ba Vì là “ngọn núi văn hóa” trong văn hóa Việt, gắn với truyền thuyết về thánh Tản Viên. Tại đây có hàng trăm di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh có giá trị. Ba Vì còn có nhiều ngôi đình nổi tiếng khác như: đình Thụy Phiêu, đình Chu Quyến, đình Tây Ðằng. Trong đó, đình Tây Ðằng là Di tích quốc gia đặc biệt. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Ðỗ Mạnh Hưng, năm 2018, Ba Vì đón 2,83 triệu lượt khách, doanh thu đoạt 336 tỷ đồng. Năm 2019, huyện Ba Vì phấn đấu đón 3,2 triệu lượt khách và doanh thu đạt 403 tỷ đồng.

Cùng vị trí tại khu vực trung tâm của vùng văn hóa xứ Ðoài, thị xã Sơn Tây có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng như: đền Và, làng cổ Ðường Lâm, thành cổ Sơn Tây, Văn miếu Sơn Tây..., ngoài ra còn có khu du lịch Ðồng Mô, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chỉ riêng khu vực làng cổ Ðường Lâm đã có tới tám di tích cấp quốc gia, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như: chùa Mía, đình Mông Phụ, đền thờ Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền... Cùng với những di tích này là hàng trăm ngôi nhà cổ được bảo tồn qua năm tháng vẫn giữ nguyên nét đẹp bình yên của ngôi làng Việt cổ. Thành cổ Sơn Tây là tòa thành đá ong duy nhất tại Việt Nam. Nhiều đoạn thành đã sạt lở, nhưng tòa thành vẫn còn nguyên hệ thống hào nước, một số cổng cổ..., chính quyền thị xã Sơn Tây đã phục dựng một số hạng mục kiến trúc, một số đoạn thành, giúp khách du lịch hiểu thêm về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Hiện nay, cơ cấu ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 44,1% trong cơ cấu kinh tế chung của thị xã, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 401 tỷ đồng năm 2008 lên 3.858 tỷ đồng năm 2018. Làng cổ Ðường Lâm tiếp tục là trọng điểm du lịch của thị xã. Năm 2018, lượng khách du lịch đến làng cổ đạt 130 nghìn lượt. Qua đó, tạo việc làm cho hàng trăm hộ gia đình, với việc kinh doanh các loại dịch vụ.

Thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì đều nằm dọc theo quốc lộ 32, thuận lợi cho việc xây dựng các tuyến du lịch nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa xứ Ðoài. Ðể phát huy lợi thế này, thị xã Sơn Tây đã xây dựng Ðề án “Phát triển du lịch - dịch vụ -
thương mại trên địa bàn giai đoạn 2012 - 2016, định hướng phát triển đến năm 2020” và cụ thể hóa thành những kế hoạch, chương trình cụ thể. Về phía huyện Ba Vì, ngoài đầu tư, cải tạo hạ tầng, huyện đã tôn tạo những di tích trọng điểm, nhất là cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên dãy núi Ba Vì, từng bước bảo tồn, xây dựng Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành lễ hội vùng, tiến tới xây dựng hoàn thiện hồ sơ, chỉnh trang lại các lễ rước để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Song, điểm yếu của du lịch khu vực Sơn Tây - Ba Vì là thiếu sự liên kết, vẫn mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, do tiềm lực còn hạn chế, cho nên Ba Vì gặp khó khăn trong xây dựng hạ tầng để chào đón các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch. Ðể khắc phục nhược điểm này, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Sở Du lịch đang khảo sát lựa chọn một số địa điểm tại Ba Vì để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng (du lịch homestay). Bước đầu, làng họa sĩ Cổ Ðô đã thu hút được lượng khách đáng kể khi phát triển theo hướng này. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn cần có sự hỗ trợ của thành phố trong việc huy động nguồn vốn từ xã hội hóa để đánh thức tiềm năng du lịch khu vực phía tây thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/39176902-khai-thac-loi-the-de-phat-trien-du-lich.html