Khai thác hiệu quả kinh tế dịch vụ ven sông

Hệ thống sông, kênh, rạch là tài nguyên đặc biệt và là đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh, có tiềm năng kinh doanh, dịch vụ rất lớn. Do đó, thành phố sẽ quy hoạch phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, hệ thống kênh, rạch để sử dụng hợp lý quỹ đất ven sông, xây dựng thành phố theo hướng 'đô thị sông nước'.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quy hoạch phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông.

Theo số liệu thống kê từ UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hệ thống sông, kênh, rạch toàn thành phố có tổng chiều dài khoảng 7.955km, tổng diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích thành phố, tương đương 35.192ha. Dễ dàng nhận thấy, thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc thù sông nước, với hệ thống sông rạch chằng chịt toàn thành phố, tuy nhiên không gian dọc hai bên bờ sông, kênh, rạch vẫn chưa được quy hoạch bài bản, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

“Hàng chục năm qua, dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, đoạn đi qua khu vực đường Thanh Đa vẫn vậy, phát triển không đồng bộ và manh mún, không có một quy hoạch tổng thể nào để phát huy lợi thế bờ sông mang lại”, ông Trần Văn Chất, ở số 27/11B Thanh Đa (quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Đánh giá về tiềm năng ven sông Sài Gòn, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với khoảng cách 100-200m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc chiều dài khoảng 80km, nếu lập quy hoạch 2 bên bờ sông Sài Gòn sẽ có diện tích khoảng 3.100-5.000ha, bảo đảm cho quy hoạch bất kỳ một chức năng sử dụng nào.

Còn theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh, không gian sông nước Sài Gòn giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác tương xứng. Hệ thống kênh rạch như một yếu tố kết nối hạ tầng và hình thành hành lang hạ tầng dịch vụ cho các hoạt động văn hóa đô thị phát triển trên cơ sở các hoạt động kinh tế dịch vụ giải trí hỗn hợp.

Trong khi đó, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch hạ tầng đô thị, khu vực ven sông, kênh, rạch cho rằng, cần phải quy hoạch quy củ hành lang và bờ sông để việc khai thác được tốt hơn. Đồng thời, đưa ra các phương thức đầu tư xã hội hóa, đối tác công tư… để huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia.

Để phát huy vai trò, lợi thế không gian 2 bên bờ sông, kênh, rạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh vừa báo cáo UBND thành phố tiến độ triển khai đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, giai đoạn 2020-2045. Mục tiêu nhằm cải tạo, hoàn thiện không gian khu vực kè bờ sông, bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa và đặc trưng đô thị; đồng thời, từng bước xây dựng, kết nối hiệu quả để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định rõ sẽ đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn cùng hệ thống kênh, rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng về giao thông đường thủy, môi trường, văn hóa và kinh tế dịch vụ. Thành phố sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc theo bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh…

Cụ thể, giai đoạn 2020-2025, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị và các công cụ quản lý phát triển khu vực hành lang sông Sài Gòn. Trong đó có các khu vực ưu tiên như khu trung tâm thành phố gắn với các đề án, chương trình phát triển kinh tế dịch vụ. Sau đó, triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, kích hoạt các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ.

Giai đoạn 2025-2045, thành phố sẽ triển khai các dự án về đầu tư, kết nối hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp liên vùng, liên khu vực, phát huy các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch. “Sở đề xuất nên dựa vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ giá trị hình thành do đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế tài chính nhằm thu hút vốn từ các nguồn lực xã hội”, ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết thêm.

Gia Bảo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/987753/khai-thac-hieu-qua-kinh-te-dich-vu-ven-song