Khai thác hiệu quả không gian dọc bờ sông Sài Gòn

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo tiến độ triển khai đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045.

Nhiều dự án nhà ở tư nhân xây dựng dọc sông Sài Gòn (đoạn cầu Thủ Thiêm, quận Bình Thạnh).

Nhiều dự án nhà ở tư nhân xây dựng dọc sông Sài Gòn (đoạn cầu Thủ Thiêm, quận Bình Thạnh).

Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo tiến độ triển khai đề án phát triển kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn giai đoạn 2020 - 2045.

Mục tiêu của đề án là cải tạo, hoàn thiện không gian khu vực kè bờ sông, bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên, cảnh quan văn hóa và đặc trưng đô thị; đồng thời, từng bước xây dựng, kết nối hiệu quả để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông...

Kiến trúc sư Ngô Anh Vũ (Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh) cho biết, với khoảng cách từ 100 đến 200 m tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài khoảng 80 km sông Sài Gòn, nếu lập quy hoạch hai bên bờ sông sẽ dôi ra từ 3.100 - 5.000 ha đất, trong đó diện tích mặt sông khoảng 2.000 ha. Phần diện tích đất hai bên sông nêu trên sẽ tương đương với diện tích của quận Tân Phú hoặc quận 7, bảo đảm đủ để quy hoạch bất kỳ một chức năng sử dụng nào.

Nếu chia tỷ lệ diện tích dành cho công viên cây xanh khoảng 60% quỹ đất trên thì thành phố có thêm từ 1.800 - 3.000 ha đất, tương đương với chỉ tiêu cây xanh từ 0,6 - 1,8 m2/người (tính với quy mô dân số khoảng 10 triệu dân), cao hơn chỉ tiêu đất công viên cây xanh của nhóm theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam và cao hơn gấp 1,22 đến 3,67 lần so với chỉ tiêu cây xanh thực tế hiện nay của thành phố. Với diện tích còn lại, dành khoảng 20% cho giao thông và 20% cho các dịch vụ, không gian mở công cộng, thành phố sẽ có 220 - 600 ha để xây dựng các công trình bảo tàng, khu ẩm thực, câu lạc bộ, sân thể dục thể thao, khu vui chơi cho trẻ em, nhà văn hóa, cửa hàng bán lẻ, triển lãm ngoài trời, trung tâm biểu diễn, sinh hoạt lễ hội... Ðó là chưa kể các không gian ngầm dưới kè bờ sông có thể tận dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, vui chơi giải trí sôi động như bar, karaoke, beer club, bãi đậu xe ngầm...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, tiềm năng lớn như vậy, nhưng lâu nay thành phố vẫn chưa phát huy được giá trị kinh tế của hai bên bờ sông Sài Gòn. Một vài đoạn bờ sông lại hình thành, phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở.

Nhiều chuyên gia đô thị cũng cho rằng, sông Sài Gòn là một phần của lãnh thổ tự nhiên, không gian ven sông là tài sản sở hữu, là lợi ích công cộng, nên trong tất cả các quy hoạch dọc sông phải luôn xác định là không gian cho sinh hoạt, vui chơi, giải trí công cộng của người dân. Trong tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch bờ sông, kênh, rạch cần chú trọng thực hiện việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, phát triển nhà, dự án nâng cấp đô thị phù hợp với yêu cầu quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn. Ðiều này sẽ góp phần không để xảy ra các hiện tượng xâm chiếm trái phép bờ sông nhằm phục vụ cho lợi ích riêng của một vài dự án, nhất là ở những vị trí đẹp, đắc địa…

Ðề án mà Sở QH-KT TP Hồ Chí Minh đang thực hiện xác định rõ sẽ đầu tư phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn cùng hệ thống kênh, rạch, ao, hồ, mương nước dọc sông hình thành một hệ thống hạ tầng xanh đa chức năng, bao gồm chức năng về giao thông thủy, môi trường, văn hóa và kinh tế dịch vụ. Thành phố sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc theo bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. Nâng cao khả năng ứng phó ngập lụt, biến đổi khí hậu, sạt lở. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, công cụ quản lý tích hợp, đồng bộ các ngành, lĩnh vực, đáp ứng chủ trương quản lý phát triển hiện đại, hiệu quả, tạo nguồn vốn và thu hút đầu tư phát triển thành phố…

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2025, thành phố sẽ điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị và các công cụ quản lý phát triển khu vực hành lang sông Sài Gòn. Triển khai chương trình hành động thực hiện quy hoạch, bao gồm triển khai các đồ án, dự án cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn, trong đó có các khu vực ưu tiên như khu trung tâm thành phố gắn với các đề án, chương trình phát triển kinh tế dịch vụ. Sau đó, triển khai một số dự án điển hình về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với phát triển và tái thiết đô thị, kích hoạt các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ.

Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2045, thành phố sẽ triển khai các dự án về đầu tư, kết nối hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh tích hợp liên vùng, liên khu vực, phát huy các hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch. Hoàn chỉnh các công cụ quản lý đồng bộ dọc theo lưu vực sông. Thường xuyên rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện pháp lý về quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng bảo đảm lợi ích chung của thành phố và liên vùng.

Về nguồn lực đầu tư, Sở QH - KT thành phố đề xuất nên dựa vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ giá trị hình thành do đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế tài chính nhằm thu hút vốn từ các nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, khuyến khích sự tham gia của đa dạng các nguồn lực xã hội phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển liên vùng. Qua đó, nhân rộng cách làm hiệu quả trên phạm vi toàn thành phố và vùng lân cận đáp ứng nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển chung...

Bài và ảnh: Vũ Nguyên

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/khai-thac-hieu-qua-khong-gian-doc-bo-song-sai-gon-628510/