Khai thác du lịch tại các vườn quốc gia: Phát triển đi đôi với bảo tồn

Ngày 13-11, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo 'Chính sách, giải pháp phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên' nhằm tìm các giải pháp trong việc khai thác tiềm năng của các vườn quốc gia, khu du lịch sinh thái trong phát triển du lịch.

Vườn quốc gia Ba Bể đã phát triển du lịch nhiều năm nay, hiện đang tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Nguồn tài nguyên lớn cho du lịch

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Việt Nam hiện nay có 23/33 vườn quốc gia, 35/127 khu bảo tồn thiên nhiên có tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái. Năm 2018, hệ thống các khu bảo tồn đón tiếp 2,39 triệu lượt khách, doanh thu đạt được là hơn 155 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 32 tỷ đồng. Năm 2019, du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động này đạt khoảng 185 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy tiềm năng để phát triển du lịch tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn của Việt Nam là rất lớn, quá trình kinh doanh du lịch đã đạt được hiệu quả nhất định.

Theo Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), tài nguyên vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên là tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch. Nguồn tài nguyên này cho phép tạo ra những dòng sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh, đa dạng, cải thiện thu nhập cho cộng đồng, góp phần cho công tác bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập. Theo Tiến sĩ Bùi Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp, hiện số lượng khách du lịch đang tập trung đông ở một số vườn quốc gia, như: Ba Vì, Cát Tiên, Cúc Phương, Hoàng Liên, Phong Nha - Kẻ Bàng... Mặc dù đem lại nguồn thu khá lớn nhưng phát triển du lịch tại các vườn quốc gia vẫn thiếu tính chủ động trong việc gắn với cộng đồng địa phương và hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan. Nhiều nơi còn thiếu quảng bá và ít sản phẩm du lịch mang tính đặc thù nên chưa thu hút được khách du lịch.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cũng cho rằng, các vườn quốc gia đang thiếu quy hoạch, đầu tư và dự án kinh doanh bài bản. Việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với phát triển tài nguyên thiên nhiên cần phải được thực hiện đồng bộ để không ảnh hưởng đến bảo tồn thiên nhiên.

Cần sản phẩm đa dạng gắn với bảo tồn thiên nhiên

Khu du lịch hồ Đồng Mô (Hà Nội) hiện đang xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái để thu hút du khách.

Giải pháp để có thể khai thác hết tiềm năng du lịch từ các vườn quốc gia đang là bài toán của các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch. Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Viện phó Viện Môi trường và Phát triển bền vững (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), các địa phương cần phải hoàn thiện chính sách quản lý cũng như khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư; nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch sinh thái cho các nhà đầu tư để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách hơn...

Bàn thêm về giải pháp cho việc phát triển du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, du lịch sinh thái được thực hiện dựa vào tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, do vậy cần phải xây dựng được các sản phẩm du lịch khai thác cả 2 loại tài nguyên này. Đặc biệt, nên hướng tới một đối tượng khá mới là các gia đình trẻ có thu nhập trung bình. Các địa phương cần xây dựng các mô hình giáo dục cộng đồng "cầm tay chỉ việc" để cộng đồng thực sự được tham gia, được hưởng lợi và có đóng góp tích cực cho phát triển du lịch sinh thái.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh lưu ý thêm, các địa phương dù đẩy mạnh phát triển du lịch vẫn cần có kế hoạch, chính sách bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên. Việc xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm cho du khách là rất cần thiết nhưng cần lưu ý không làm "tổn thương" đến thiên nhiên, đó mới là cách làm du lịch sinh thái đúng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề chính sách quản lý, đầu tư, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa của địa phương. Các địa phương cần chú trọng hơn trong việc phân cấp quản lý, rõ trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vườn quốc gia và vườn sinh thái; đồng thời cần quan tâm tuyên truyền cho người dân, hướng dẫn du khách trong việc bảo vệ môi trường.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/983539/khai-thac-du-lich-tai-cac-vuon-quoc-gia-phat-trien-di-doi-voi-bao-ton