Khai thác đời tư quá đà trên truyền thông: Những hệ lụy khó lường

Thời gian gần đây, việc lạm dụng, khai thác đời tư trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội ngày càng nhiều. Điều này cho thấy một bộ phận người làm báo và cơ quan truyền thông chưa thực sự xem trọng vấn đề quyền riêng tư của nhân vật trong khi tác nghiệp. Việc sử dụng hình ảnh, thông tin thiếu kiểm soát dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho chính người bị khai thác thông tin, và cho cộng đồng nói chung.

Luôn có một giới hạn nhất định trong khai thác thông tin của người làm truyền thông. Ở góc độ những thông tin đời tư của một cá nhân nào đó, thì việc đưa lên báo chí truyền thông luôn cần có sự đồng ý của người trong cuộc. Thậm chí ngay cả khi người trong cuộc đồng ý, nếu những hình ảnh hay thông tin đó xét thấy không phù hợp với thuần phong mỹ tục, tâm lý xã hội thì người làm truyền thông cũng phải biết tiết chế, cắt bỏ.

Tiếc là, vì chạy theo sự tò mò, hiếu kỳ của đám đông, muốn tạo ra sự chú ý, nhiều nhà báo, cơ quan báo đã phớt lờ những quy định này. Vụ tai nạn xe khách thảm khốc làm chết 13 người ở Quảng Nam vừa qua là một ví dụ. Một vài tờ báo đã tận dụng sự quan tâm của dư luận xung quanh vụ việc đau lòng này, khai thác thông tin quá đà.

Diễn viên Lê Giang kể chuyện chồng cũ là đạo diễn Duy Phương bạo hành trong một game show truyền hình, nhưng đạo diện Duy Phương đã phủ nhận thông tin này và dọa khởi kiện chương trình...

Diễn viên Lê Giang kể chuyện chồng cũ là đạo diễn Duy Phương bạo hành trong một game show truyền hình, nhưng đạo diện Duy Phương đã phủ nhận thông tin này và dọa khởi kiện chương trình...

Họ đã cho đăng tải những hình ảnh về hiện trường tai nạn, hình ảnh các nạn nhân xấu số rất tang thương, tạo ra sự xoáy sâu thêm vào nỗi đau tột cùng của gia đình các nạn nhân. Cách khai thác thông tin như vậy trên mặt báo không phải là cách làm tích cực, mà tạo ra những hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng.

Xu hướng “lá cải hóa thông tin” theo cách khai thác hình ảnh riêng tư của người khác như vậy cũng dễ tìm thấy ở một số tờ báo chuyên lấy chuyện cướp, giết, hiếp làm “mồi nhử” độc giả. Chẳng hạn, ở một vài vụ án, khi khai thác thông tin, người ta cố tình mô tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng các hành vi phạm tội của kẻ thủ ác.

Hình ảnh về vụ án được đăng tải cũng là những hình ảnh có tính chất rùng rợn, khiến cho người đọc lạnh gáy, sởn da gà. Lẽ dĩ nhiên, ở những bài viết về tai nạn xe cộ hay vụ án thương tâm, những người liên quan có thể không còn khả năng, cơ hội để bảo vệ quyền riêng tư về mặt hình ảnh của mình, và người khai thác thông tin cũng như tờ báo đăng tải thông tin không bị ai đâm đơn kiện cả.

Nhưng dư luận thì bất bình với những thông tin và hình ảnh phản cảm đó. Năm ngoái, khi đội bóng trẻ U23 Việt Nam thành công vang dội ở Giải Vô địch U23 châu Á, báo chí đã lâm vào một cơn “lên đồng” khi viết về đội tuyển. Một số tờ báo để câu like, câu view đã không ngại ngần khai thác quá sâu đời tư của các cầu thủ nổi tiếng.

Đến mức Bộ Thông tin và Truyền thông phải phát đi văn bản chỉ đạo báo chí không soi mói quá đà đời tư các tuyển thủ mang đến tâm lý không tốt cho những niềm hy vọng của bóng đá nước nhà. Báo chí cần phải dừng lại để các cầu thủ được ổn định tâm lý, chú tâm tập luyện cho các giải đấu tới và trở về với cuộc sống bình thường.

Những đối tượng hay bị báo chí tận dụng, khai thác đời tư quá đà nhiều nhất là các chính khách và các nghệ sĩ, trong đó đặc biệt là giới nghệ sĩ biểu diễn. Có thể thấy, tràn ngập trên mặt báo, nhất là các trang báo mạng hiện nay là thông tin đời tư nghệ sĩ. Khai thác những câu chuyện hình ảnh riêng tư của người nghệ sĩ trở thành một chiêu thức thu hút khán giả của nhiều tờ báo, kênh truyền hình.

Ca sĩ Thủy Tiên kể chuyện nam ca sĩ Ưng Hoàng Phúc theo đuổi cô trên sóng truyền hình.

Nghệ sĩ lên mặt báo, lên truyền hình kể xấu nhau, kể xấu chồng cũ vợ cũ, hay phơi bày chuyện quá khứ của mình không còn là chuyện hiếm. Trong lúc báo chí lợi dụng đời tư của nghệ sĩ câu view thì chính nghệ sĩ cũng lợi dụng báo chí để đánh bóng tên tuổi mình, chỉ có công chúng là bị làm phiền. Mức độ khai thác đời tư nghệ sĩ nhiều nhất, phải nói là các game show trên truyền hình hiện nay.

Gần như không có một game show truyền hình nào mà thiếu vắng hình ảnh nghệ sĩ. Họ có thể ngồi ghế nóng ban giám khảo. Họ có thể là thí sinh tham gia game show. Và nhà sản xuất trông chờ vào sức hấp dẫn từ những ngôi sao nổi tiếng, họ sẽ nói những câu chuyện gì để giữ chân khán giả, tăng lượng người xem (rating) cho chương trình. Phía sau một chương trình có thể là bản hợp đồng giữa nhà sản xuất với nghệ sĩ.

Đôi khi đời tư của người nổi tiếng được khai thác như những chiêu trò thu hút khán giả. Người nghệ sĩ đồng ý bán đời tư của mình cho nhà sản xuất để lấy tiền. Những câu chuyện càng bi hài, càng lâm ly bi đát, càng nhiều yếu tố bất ngờ càng được trả tiền nhiều, bất luận sau cuộc công khai đó, người trong cuộc và người liên quan bị tổn thương ra sao.

Mới đây, một vụ lùm xùm liên quan đến đời tư nghệ sĩ vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía khán giả và người liên quan. Chương trình “Sau ánh hào quang”- một game show có fomat nhấn vào đời tư, góc khuất của người nổi tiếng bật mí chuyện diễn viên hài Lê Giang bị chồng cũ bạo hành, phải sống trong chuỗi ngày khổ sở tăm tối. Khi chương trình phát sóng, chồng cũ của nhân vật là nghệ sĩ Duy Phương đã có phản ứng quyết liệt. Ông tuyên bố sẽ kiện chương trình vì đã để nhân vật vu oan cho ông, phát sóng những lời kể của vợ cũ ông mà không có sự kiểm chứng của ông.

Chương trình sau đó đã phải nhận những chỉ trích dữ dội từ dư luận. Nhà sản xuất buộc phải xóa bỏ chương trình trên kênh Youtube. Đây là một bài học sâu sắc cho những người làm truyền thông. Sự chừng mực, tôn trọng nhân vật là điều cần thiết trong khai thác thông tin. Tận dụng thông tin cá nhân của ai đó để thu hút sự quan tâm của người đọc, người xem là vi phạm pháp luật, người bị ảnh hưởng hoàn toàn có thể kiện cơ quan truyền thông.

Mức độ khai thác thông tin quá đà đời tư của người khác còn có thể thấy trong không ít chương trình truyền hình khác. Thậm chí có những motip quen thuộc với khán giả ở các game show hiện nay, như chuyện thí sinh chuyển giới kể chuyện vượt qua những cuộc phẫu thuật đau đớn như thế nào, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó đi thi ra sao.

Khi “bắt sóng” được những câu chuyện mùi mẫn từ phía một thí sinh nào đó, nhà sản xuất sẽ tận dụng triệt để nhằm đánh vào sự tò mò của khán giả. Không ít thí sinh vô tình đã rơi vào cái bẫy của nhà sản xuất. Họ chỉ nhận ra những tổn thương, mất mát mình phải gánh chịu sau khi câu chuyện được phát tán đến đông đảo công chúng và những bình phẩm ác ý hay thương cảm dồn vào họ.

Bộ Thông tin và Truyền thông từng yêu cầu các báo ngừng khai thác thông tin đời tư các cầu thủ sau chiến thắng của U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á. Trong ảnh là hai anh em tuyển thủ Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng.

Tình trạng xâm phạm bí mật đời tư hiện nay đang xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên số vụ việc được yêu cầu giải quyết còn ít. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý ngại ngần của những người trong cuộc. Họ đang bị tổn thương. Họ quan niệm rằng việc kiện cáo hay làm to chuyện lên sẽ càng khiến cho những bí mật lan rộng hơn nữa. Cũng có những người không hiểu được mình là nạn nhân và mình được pháp luật bảo vệ nên chỉ giữ im lặng.

Vấn đề ở đây, công tác tuyên truyền phải được làm tốt hơn nữa để mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội hiểu rõ về quyền riêng tư của mình được pháp luật bảo vệ. Người bị xâm phạm đời tư khi có kiến thức và hiểu biết, hãy lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, xóa bỏ tâm lý e dè, sợ hãi hay thái độ im lặng khiến cho tình trạng lợi dụng khai thác thông tin riêng tư ngày càng phát tán.

Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông và cá nhân người làm báo, việc đầu tiên và cuối cùng chỉ là, hãy tác nghiệp đúng quy định của pháp luật trong việc thu thập, xử lý thông tin, nhất là những thông tin liên quan đến đời tư của người khác.

Luật Báo chí quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó, trừ ảnh và thông tin các buổi hội họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án hay tội phạm đã bị tuyên án”.

Người làm báo khi thu thập, khai thác thông tin đời tư của người khác cần thiết phải được sự đồng ý của người đó. Việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác nếu không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Đạo đức của người làm báo thể hiện ở chỗ tôn trọng đời tư người khác, hiểu được rằng những thông tin đời tư của người khác nếu công khai đăng tải sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân phẩm, danh dự, cảm xúc của họ. Người làm báo có thể vô tình hay cố ý đẩy người khác đến bờ vực của sự sợ hãi, tâm lý cực đoan.

Không ít ví dụ xót xa cho chúng ta thấy, nhiều người bị phát tán bí mật riêng tư mà có những hành vi nguy hiểm cho bản thân như bế tắc, tự tử. Đối với các chính khách hay người nổi tiếng, lẽ dĩ nhiên việc họ được báo chí quan tâm hay phải chịu sự giám sát của báo chí, truyền thông là bình thường, nhưng điều này không có nghĩa là báo chí được quyền đăng tải thông tin riêng tư của họ một cách bịa đặt, không kiểm chứng chính xác, hay không có sự đồng ý của họ.

Việc khai thác đời tư quá đà cần được các cơ quan quản lý báo chí giám sát chặt chẽ, kiên quyết xử lý để góp phần lành mạch, minh bạch hóa thông tin. Bởi những thông tin giật gân câu khách lấy đời tư người khác làm mồi nhử không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của người trong cuộc mà còn định hướng sai lệch thẩm mỹ, tư duy trong công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

Hội Vũ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/khai-thac-doi-tu-qua-da-tren-truyen-thong-nhung-he-luy-kho-luong-505691/