Khai thác di sản văn hóa cần bước đi bền vững

Ngày 14-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Công văn số 4141 gửi UBND tỉnh Hà Giang, nêu ý kiến về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là động thái mong muốn khép lại câu chuyện ồn ào trong công tác quản lý, bảo tồn và khai thác di sản. Tuy nhiên, có lẽ di chứng của việc làm tùy tiện, thiếu trách nhiệm với tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên này vẫn sẽ còn là bài học không chỉ của riêng ai.

Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Du Nguyễn

Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Du Nguyễn

Ngày 1-10, qua phản ánh của khách du lịch, dư luận bắt đầu đặt dấu hỏi khi tổ hợp nhà hàng, khách sạn Panorama giữa đèo Mã Lì Lèng mọc lên như một cái “gai bê tông” nhức nhối án ngữ tầm mắt hướng thẳng ra hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế. Tiếp sau đó, các tờ báo đồng loạt vào cuộc buộc các cơ quan chức năng và địa phương phải có câu trả lời làm sáng tỏ. Sự việc rõ dần khi đối chiếu với bản đồ khoanh vùng bảo vệ danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, công trình Panorama được xây dựng nằm ở khu vực II, nhưng nằm trong lòng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - di sản được UNESCO vinh danh.

Theo quy định tại Điều 36, Luật Di sản văn hóa, khi phê duyệt dự án cải tạo xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ đặc biệt của thắng cảnh (quy định tại Điều 32) mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch. Trên thực tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không nhận được văn bản này.

Chưa kể, ngày 7-10, đại diện UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, dự án Mã Pì Lèng Panorama chưa được cấp phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, đất xây dựng. Dư luận bắt đầu phẫn nộ vì di sản thiên nhiên - tài nguyên hàng ngàn năm kiến tạo địa chất dành để làm nội lực phát triển cho tương lai đã bị ứng xử tùy tiện, cẩu thả và coi thường pháp luật ở cả hai phía chủ đầu tư và chính quyền địa phương.

Trong vòng một thập kỷ qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt 3 quy hoạch dành cho Cao nguyên đá Đồng Văn và đều là những quy hoạch xây dựng Cao nguyên địa chất - khu du lịch quốc gia và tầm nhìn đến năm 2030. Trong quá trình hướng dẫn khai thác cảnh quan này, UNESCO cũng đã khuyến cáo Hà Giang chỉ nên xây dựng một điểm dừng chân dành cho du khách ngắm cảnh.

Điều này phù hợp với mục tiêu của UNESCO là đưa các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc vào danh mục di sản thế giới nhằm mục đích để cộng đồng dân cư sinh sống trên những cảnh quan đó hưởng lợi, khai thác du lịch một các bền vững. Tuy nhiên, cho đến khi nhà hàng Panorama mọc lên, khuyến nghị này cũng không được coi trọng.

Văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết luận, xét về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn cảnh quan và chưa được cấp thẩm quyền đánh giá tác động môi trường. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước.

Ngay trong ngày 14-10, khi văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực, các lực lượng chức năng đã có mặt tại công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng, đình chỉ việc kinh doanh của chủ đầu tư. Trước đó, phía chính quyền địa phương đã có ý kiến xem xét việc cắt gọt công trình thiếu thẩm mỹ này trong các cuộc họp bàn phương cách giải quyết. Theo đó, công trình buộc phải trở về hiện trạng cũ, đập bỏ các phần xây dựng trái phép, chỉ giữ lại chỗ dừng chân, ngắm cảnh.

Từ kiến nghị của UBND huyện Mèo Vạc, UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quan điểm tham vấn ý kiến chuyên gia, xử lý sai phạm, cải tạo, chỉnh trang địa điểm xây dựng nhà hàng khách sạn Panorama thành điểm dừng chân cho du khách, kiến trúc phù hợp, không gây tác động tiêu cực, đồng thời, buộc phải có thủ tục thẩm định và phê duyệt đúng luật trong quá trình triển khai thực hiện.

Văn bản chỉ đạo nhấn mạnh việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước kiểm tra giám sát tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về di sản văn hóa, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ di sản và thắng cảnh của cộng đồng.

Công trình xây dựng trái phép này đã bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động. Ảnh: Du Nguyễn

Điều đáng nói, sau sự việc này, bài học sâu sắc về quản lý, bảo vệ và khai thác di sản lại được đặt ra. Đã có nhiều người có trách nhiệm với di sản quốc gia, các tờ báo bảo vệ nguồn lực tài nguyên đất nước gay gắt lên án các sai phạm của chủ đầu tư công trình, sự buông lỏng, tắc trách và thiếu hiểu biết của địa phương. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ ý kiến bảo vệ sự tồn tại của công trình trái phép này, mong muốn được hợp thức hóa, “cố đấm ăn xôi” với lý lẽ để công trình phát triển kinh tế cho người dân miền núi.

Những sai lệch về cách nhìn như vậy cũng đã thách thức không nhỏ cho việc định hướng lại con đường đi đúng cho công tác bảo tồn di sản. Cùng với sự ồn ào này, công chúng rầm rộ kéo nhau đi du lịch Hà Giang nhằm để tận mắt chứng kiến những gì mà báo chí và dư luận đang quan tâm. Điều này cũng tạo nên một cơn sốt Hà Giang kiểu “ăn xổi ở thì”. Về lâu dài, khi sự việc nguội đi, di sản cảnh quan chỉ còn lại sự bế tắc, tiêu điều và bị bôi bẩn mà thôi. Nếu địa phương sở hữu cảnh quan không thực sự tỉnh táo, thì lợi nhuận sinh ra từ tài nguyên trên mảnh đất di sản sẽ đi dần về con số 0.

Phải thật yêu quý cảnh quan hùng vĩ, vẻ đẹp riêng có trên cao nguyên Đồng Văn - một “tượng đài địa chất” của thế giới, mảnh đất dung dưỡng văn hóa của 21 dân tộc thiểu số anh em Hà Giang, mới có thể đủ quyết tâm giữ gìn nguyên trạng Mã Pì Lèng.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khai-thac-di-san-van-hoa-can-buoc-di-ben-vung/