Khai thác cải lương cho nghệ thuật múa

NSND Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc trao đổi về thực trạng múa ở ĐBSCL hiện nay và những giải pháp để vực dậy bộ môn nghệ thuật này.

* Xin ông cho biết đôi điều nhận xét về múa ở ĐBSCL?

* Xin ông cho biết đôi điều nhận xét về múa ở ĐBSCL?

- Vùng đất ĐBSCL sở hữu những chất liệu múa tuyệt vời. Điều đó không phải do con người tạo ra mà do thiên nhiên tạo dựng. Vùng đất với nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn nghệ dân gian, điều kiện tự nhiên đặc trưng, được phản ánh vào trong nghệ thuật, trong đó có múa.

Nước ta có múa Chăm, múa Khmer hay những điệu múa mang đặc thù Tây Nguyên, Tây Bắc… Vì vậy, ĐBSCL hoàn toàn có thể sở hữu một nét múa riêng biệt, nếu biết khai thác và sáng tạo. Múa không chỉ là động tác, múa là phản ánh hiện thực, hiện thực ấy dựa trên các mối quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa người với thiên nhiên, trên cơ sở những ấn tượng có được từ thế giới xung quanh... để xây dựng các tác phẩm múa chất lượng.

* Theo ông, nghệ sĩ múa ĐBSCL sẽ khai thác những lợi thế, tài nguyên ấy như thế nào?

- Theo tôi, hướng tốt nhất là trên cơ sở khai thác nghệ thuật cải lương. Cải lương có trình thức, điệu bộ, động tác… rất gần với múa. Miền Trung đã từng khai thác tuồng cho nghệ thuật múa và thành công. Dĩ nhiên, để phong phú, biên đạo, nghệ sĩ múa sẽ kết hợp thêm những loại hình khác như hò sông nước, dân ca, đờn ca tài tử…

* Ông đánh giá thế nào về khả năng tạo lập dấu ấn riêng của nghệ sĩ múa đồng bằng?

- Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ nghệ sĩ múa và biên đạo ở ĐBSCL, kể cả chuyên nghiệp lẫn quần chúng. Tôi ấn tượng về phong trào múa ở vùng đất này. Ngày càng xuất hiện nhiều biên đạo có tư duy nghệ thuật tốt, yêu nghề và dám thử sức cái mới. Điều đó rất cần cho múa trong bối cảnh nghệ thuật đương đại ngày nay.

* Lạm dụng múa minh họa, bê đỡ vô tội vạ, gây phản cảm là thực trạng đang diễn ra với nghệ thuật múa, theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Có tình trạng đó, theo tôi, nguyên nhân chính là họ không biết gì về múa mà làm theo bản năng nhưng thiếu kinh nghiệm. Bởi, nếu họ biết, họ sẽ lý giải được: vì sao phải bê đỡ, bao nhiêu người là cần cho bài múa mình đang dàn dựng… Điển hình như tại Liên hoan Hẹn hò 9 dòng sông ở An Giang vừa qua, có đến 5 tiết mục múa mà cả khán giả lẫn giám khảo đều không hiểu: rối rắm, bê đỡ lộn xộn… Múa là để khán giả hiểu, là tâm tình để khán giả thương chứ không phải làm cái mình thích. Như vậy không phải là múa.

* Xin cảm ơn ông! .

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/khai-thac-cai-luong-cho-nghe-thuat-mua-a102738.html