Khai thác các nguồn để bù đắp hụt thu ngân sách

'Để đạt được mục tiêu thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm nay, các cơ quan thuế phải nắm chắc đối tượng nộp thuế, nắm chắc nguồn thu, thực hiện thu đúng, thu đủ theo quy định pháp luật, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các biện pháp khai thác triệt để các nguồn thu để bù vào phần thiếu hụt, đảm bảo thu NSNN trên địa bàn cũng như thu cân đối ngân sách địa phương', Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngành Thuế 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Diễm Quỳnh/TTXVN.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngành Thuế 6 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Diễm Quỳnh/TTXVN.

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bối cảnh chung còn có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực hoàn thành. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả số tiền thuế, tiền thuê đất chậm nộp thì tỷ lệ thu đạt trên 49% là rất đáng khích lệ, khi mà tình hình dịch bệnh kéo dài nhiều tháng liền.

Từ nay tới cuối năm, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tạo điều kiện khôi phục và phát triển môi trường kinh doanh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có vấn đề xuất khẩu, có vấn đề tiêu dùng nội địa như Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo.

Để bù đắp các khoản hụt thu do dịch bệnh gây ra, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã yêu cầu Tổng cục Thuế tiếp tục thực hiện Đề án mở rộng cơ sở thuế, trong đó chú trọng các đối tượng các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ gia định và cá nhân kinh doanh; triển khai Đề án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, các hoạt động giao dịch liên kết, các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số.

“Các nội dung này cũng đã được đề cập trong Luật Quản lý thuế số 38, vấn đề là có biện pháp triển khai có hiệu quả và phải kết hợp với các bộ, ngành như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán để thực hiện”, ông Trần Xuân Hà nói.

Bên cạnh việc khai thác các nguồn thu để bù đắp khoản hụt thu, cơ quan thuế các cấp cũng cần phải đôn đốc thu hồi nợ đối với các khoản nợ có khả năng thu hồi; tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về xử lý nợ, xây dựng kế hoạch, phương án, biện pháp thu hồi nợ, báo cáo cấp ủy chính quyền địa phương phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.

Phía Tổng cục Thuế cần thực hiện thống kê, đánh giá các khoản nợ, các hồ sơ xử lý nợ theo Nghị quyết của Quốc hội, hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện trong 6 tháng cuối năm và một số năm tiếp theo. Phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm phải xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng mà Quốc hội đã cho phép, giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 5% theo như Nghị quyết của Quốc hội.

Tại Hội nghị sơ kết ngành Thuế ngày 8/7, ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 21.338 tỷ đồng, bằng 60,6% so với dự toán, bằng 72,4% so với cùng kỳ năm 2019; thu nội địa ước đạt 552.899 tỷ đồng, bằng 45,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 424.769 tỷ đồng, bằng 41,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Phi Vân Tuấn, chỉ có 34/63 địa phương có tiến độ thu lũy kế 6 tháng đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 50%) do trong cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn của hầu hết các địa phương này có nguồn thu phát sinh của năm 2019 lớn, nhưng theo quy định người nộp thuế nộp thuế trong năm 2020 và thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao.

Còn 29 địa phương còn lại có tiến độ thu chậm, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán năm, hầu hết những địa phương này là những địa phương có nguồn thu thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng lớn. Đây là những nguồn thu có kỳ nộp thuế phát sinh theo tháng, tác động của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình kinh tế đã ngay lập tức ảnh hưởng rõ nét đến thu NSNN trên địa bàn, nguồn thu từ đất phát sinh thấp nên không bù đắp được tổng thu chung, tiến độ thu đã chậm lại từ tháng 4/2020 đến nay.

Đề cập đến các giải pháp triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2020, ông Cao Anh Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Các cục thuế phải có những giải pháp hết sức cụ thể, không hô hào chung chung, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất. Giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2020 (không bao gồm đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã gia hạn đến 31/12/2020 không có khả năng thu).

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, ngành Thuế sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu; đẩy nhanh tiến độ thu đối với những khoản thu đạt tiến độ thấp, tăng trưởng không cao, đặc biệt là đối với 16 địa phương có số thu điều tiết ngân sách Trung ương để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương năm 2020.

Từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.

“Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch gây ra như: Thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch COVID-19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng như: hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, Internet...; tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra”, ông Cao Anh Tuấn nói.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/khai-thac-cac-nguon-de-bu-dap-hut-thu-ngan-sach-20200708191936283.htm