'Khai quật' những bí mật ít người biết đằng sau series đình đám 'Bridgerton'

'Khai quật' những bí mật ít người biết đằng sau series đình đám 'Bridgerton'

Mùa đầu tiên của “Bridgerton” vừa khép lại với 8 tập phim, đem đến cho khán giả một đoạn kết khá trọn vẹn và nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ trong thời gian đại dịch ảm đạm. Cộng đồng đam mê phim ảnh cũng đã vô cùng mong chờ khi đoàn làm phim chính thức thông báo về phần tiếp theo của “Bridgerton” sẽ được sản xuất trong thời gian tới.

“Bridgerton: The Duke and I” (Công tước và em) đã gây sốt trên Netflix bởi câu chuyện tình yêu cuồng nhiệt, lãng mạn, đẹp như mơ giữa nàng tiểu thư Daphne Bridgerton (Phoebe Dynevor) và Simon Basset (Rege-Jean Page) – Công tước hào hoa xứ Hastings. Khác với nhiều vị tiểu thư kiêu kỳ cùng thời, Daphne nổi bật với cá tính mạnh mẽ và thông minh. Mặc dù sống trong một xã hội lấy hôn nhân làm tiền đề nhưng Daphne vẫn giữ khao khát được kết hôn với người mình yêu. Trong một lần, Daphne tình cờ gặp gỡ Simon Basset, cả hai đã lập nên những cuộc “hẹn hò giả” vì mục đích cá nhân.

Phần 2 của bộ phim sẽ tiếp nối cuốn tiểu thuyết thứ hai của Julia Quinn trong loạt phim “Bridgerton: Tử tước người yêu tôi”, xoay quanh Anthony khi anh tìm kiếm người phù hợp hoàn hảo của mình.

Phần 2 của bộ phim sẽ tiếp nối cuốn tiểu thuyết thứ hai của Julia Quinn trong loạt phim “Bridgerton: Tử tước người yêu tôi”, xoay quanh Anthony khi anh tìm kiếm người phù hợp hoàn hảo của mình.

Mọi chuyện bắt đầu đi vào cao trào khi Daphne đem lòng yêu và muốn cưới Simon, còn anh chàng thì sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ nhất định không trao cho Daphne điều gì ngoài câu nói “Tôi không thể lấy em…”. Bên cạnh đó, bộ phim cũng gửi gắm thông điệp tích cực, rằng ai cũng đều có quyền tranh đấu điều họ mong muốn, dù đó là tình yêu hay thứ gì đó lớn lao hơn.

Tiểu thuyết lãng mạn thật ra đã không được đón nhận nồng nhiệt như phim

Sau sự thành công của phần đầu tiên, người hâm mộ đã chú ý nhiều hơn về các tác phẩm của Julia Quinn về những cuộc phiêu lưu đầy lãng mạn và thú vị của những đứa trẻ nhà Bridgerton trong xã hội thượng lưu ở London đầu thế kỷ 19. Đây là điều khiến “mẹ đẻ” của loạt truyện bất ngờ bởi như bà đã từng phát biểu trước truyền thông thì: “Tiểu thuyết lãng mạn không sánh được bằng các tác phẩm văn học, nhiều cá nhân còn xem thường chúng, chẳng khác gì đứa con ghẻ của ngành xuất bản”. “Bridgerton” bản truyền hình đã nhận được cơn mưa lời khen từ cộng đồng mạng lẫn giới chuyên môn kể từ khi ra mắt và trở thành một hiện tượng đình đám của giới làm phim hiện nay.

8 cuốn tiểu thuyết của bộ truyện đều kể về những câu chuyện xoay quanh riêng của từng anh, chị em nhà Bridgerton.

Vượt mặt “The Witcher”, bộ phim ghi nhận kỷ lục mở màn trên Netflix

Ra mắt vào tháng 12/2020, “Bridgerton” được phát hành tại 83 quốc gia trên toàn thế giới. Chỉ trong 4 tuần khởi chiếu, bản chuyển thể đã tiếp cận hơn 63 triệu hộ gia đình và thu hút hơn 82 triệu lượt xem. Ngoài ra, tác phẩm còn được chấm đến 95% trên Rotten Tomatoes và được công chúng khen ngợi hết lời. Nhà xuất bản các tác phẩm của tác giả Julia Quinn tại Vương quốc Anh cũng đang gấp rút tái bản các cuốn sách về nhà “Bridgerton” để song hành cùng bộ phim.

Bộ phim đã tiêu tốn khoảng 5 triệu bảng Anh để tạo ra mỗi tập phim.

Quá trình quay phim mất 9 tháng và đều được diễn ra trước khi đại dịch xảy ra

“Bridgerton” đã hoàn thành việc quay phim trước khi nền điện ảnh bị tấn công bởi đại dịch. Quá trình quay phim cho series phim đã bắt đầu vào tháng 7/2019 và kết thúc vào tháng 2/2020. Ngoài ra, để giúp cho các diễn viên nhập tâm vào nhân vật, họ đã được đào tạo trong 1 tháng để tìm hiểu hơn về thời đại Regency (Nhiếp chính, 1811-1820) ở thế kỷ 19.

Các diễn viên được dạy những thứ như cưỡi ngựa, lịch sử thời kỳ, nghi thức xã giao và được học khiêu vũ, piano…

“Bridgerton” không đặt việc tái hiện lại lịch sử của Vương quốc Anh làm trọng tâm

Trái ngược với các bộ phim thuộc thể loại “period drama” (phim truyện lịch sử) như “The White Queen” (2013) hay “The Tudors” (2007), “Bridgerton” là series hoàn toàn được dựng lên để thỏa mãn nhu cầu giải trí và niềm khao khát về sự lãng mạn thuần túy trên phim ảnh. Yếu tố này cho phép series sáng tạo và tập trung hoàn toàn vào kịch bản tối thượng của nó: một chuyện tình nồng cháy giữa một thiếu nữ thuộc tầng lớp thượng lưu và một người đàn ông quý tộc trong một xã hội lý tưởng – một nước Anh bình đẳng, thanh bình, văn minh và tinh tế (trái ngược với hiện thực lúc bấy giờ).

Nhà sản xuất đã “viết lại” lịch sử nước Anh trong “Bridgerton” khi để một số nhân vật người da màu góp mặt trong tầng lớp quý tộc.

Một tủ quần áo đồ sộ đã được đoàn làm phim dày công chuẩn bị

Đoàn làm phim đã mất hơn 5 tháng để chuẩn bị những trang phục cầu kỳ và đẹp mắt cho diễn viên. Đằng sau 7.500 bộ váy áo thướt tha, đó là 238 người thợ lành nghề. Trong đó, riêng trang phục của nữ chính Daphne Bridgerton đã là 104 bộ. Các công nương quý tộc khác cũng không hề kém cạnh khi họ cũng chưng diện ít nhất 10 bộ đầm dạ hội khác nhau cho 10 buổi yến tiệc.

Thật đáng ngạc nhiên khi tất cả đều được may đo thủ công từ đầu đến cuối để tạo nên những bộ trang phục hoàn mỹ.

Những bản hit hiện đại được biến tấu một cách xuất sắc

Những bản giao hưởng không lời vẫn thường là yếu tố không thể thiếu trong thể loại phim này, nhưng Bridgerton” đã khéo léo đưa các sản phẩm âm nhạc của thế kỷ 21 được vang lên giữa thế kỷ 19. Họ đã biến tấu chúng sang phiên bản được thể hiện bằng các nhạc cụ cổ điển như violin, viola và cello. Các ca khúc gắn liền với tên tuổi của Taylor Swift, Ariana Grande, Billie Eilish… đã xuất hiện vô cùng phá cách nhưng lại hoàn toàn hợp lý.

Các bản hit đình đám đã xuất hiện trong phim như: “Thank U, Next” – Ariana Grande, “Girls Like You” – Maroon 5, “In My Blood” – Shawn Mendes, “Bad Guy” – Billie Eilish, “Wildest Dream” – Taylor Swift…

Khoảng 200 người đã tận lực làm việc ở hậu trường

Việc sản xuất với kinh phí lớn đòi hỏi rất nhiều người cùng hợp sức làm việc ở hậu trường. Theo nhà sản xuất, đoàn làm phim gồm ít nhất vài trăm người để hoàn thành mỗi cảnh quay tỉ mỉ nhất có thể. Cụ thể, những nhà thiết kế bối cảnh và các nhà thợ mộc, họ đã dành hẳn 4 tháng chỉ để làm lò sưởi và cửa sổ.

Đối với những cảnh quay hoành tráng có mưa bão lớn, những nhà thiết kế đã sử dụng các sân khấu âm thanh để có thể kiểm soát mức độ mưa và nhiệt độ nước.

Các diễn viên phải luyện tập trước vài tuần để có được những phân đoạn “yêu” đẹp mắt

Để có được những cảnh thân mật vừa đẹp vừa không quá phản cảm, đoàn phim đã nhờ đến các chuyên gia tư vấn về các cảnh phim ân ái để đảm bảo an toàn và giúp các diễn viên có thể thoải mái. Bên cạnh đó, để tránh xảy ra những vấn đề về cơ thể hoặc tâm lý khi quay, diễn viên và nhà sản xuất đã thống nhất một ký hiệu bí mật, họ sẽ ra dấu nếu phát sinh những bất tiện trong lúc quay.

Điều làm nên thành công của bộ phim chắc chắn không kể đến phản ứng hóa học đầy ngọt ngào của 2 diễn viên chính.

Có tổng cộng 293 bối cảnh xuyên suốt mùa 1

Nếu theo dõi tất cả 8 tập của “Bridgerton”, người xem có thể thấy có rất nhiều bối cảnh đẹp mắt và long lanh được dàn dựng vô cùng công phu. Trong đó, chỉ có khoảng 30% cảnh được quay trên phim trường, phần còn lại được quay tại các địa điểm chủ yếu ở London như Bath và Yorkshire.

Có tổng cộng 293 bối cảnh với đầy đủ sự sang trọng, nguy nga, chắc chắn cũng không kém phần mộng mơ và lãng mạn vốn có.

Màu sắc trang phục ẩn chứa những thông điệp riêng

Người xem tinh ý có thể nhận ra rằng mỗi gia đình trong đều có cách phối màu độc đáo của riêng họ. Những người con nhà Bridgertons hầu như luôn lấy màu xanh thủy tinh và hồng pastel làm chủ đạo, trong khi nhà Featheringtons tập trung vào màu sắc sặc sỡ hơn như xanh lá thông, vàng bumblebee, cam merigold… và cũng không thể thiếu màu đỏ ruby nổi bật của gia đình Hastings. Ngoài ra, để đánh dấu sự trưởng thanh của Daphne khi đã kết hôn, đa số trang phục của cô nàng cũng tối màu hơn.

Những màu sắc về phần trang phục đều được thể hiện rất sâu sắc về tích cách và đặc trưng riêng của từng nhân vật.

Bài : Tôn Ngọc Anh Thư

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/khai-quat-nhung-bi-mat-it-nguoi-biet-dang-sau-series-dinh-dam-bridgerton/