Khai phóng để người thầy truyền cảm hứng

Các chính sách phát triển ĐH tư tuy có nhưng không đủ mạnh và còn mang tính cầm chừng; giáo dục ĐH luôn cần người thầy giỏi và họ cần được giải phóng khỏi thủ tục hành chính để sáng tạo

"Định hướng tương lai" là chủ đề của hội nghị Giáo dục 2019 do Forbes Việt Nam tổ chức sáng 10-10 tại TP HCM. Tại hội nghị này, các khách mời đã có những tham luận về các chủ đề chính sách; tương lai của việc làm; cách học mới… cũng như những thảo luận về lựa chọn phù hợp.

Giáo dục ĐH nghiêng hẳn về trường công

Là diễn giả đầu tiên trong hội nghị, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng giáo dục là lĩnh vực dịch vụ mang tính đặc biệt vì vừa là dịch vụ mang tính chất công ích vừa tư ích. Bất kỳ những thay đổi chính sách sẽ tác động đến giáo dục công - tư. Đầu tư cho giáo dục phải từ cả công và tư. Ông Tùng cho rằng nhà nước cho các trường tư được hưởng ưu đãi về đất, thuế, tín dụng… là thực hiện trách nhiệm về các công tác công ích nhận được từ người học.

Diễn giả Nguyễn Quốc Toàn tại Hội nghị Giáo dục của Forbes Việt Nam tổ chức sáng 10-10

Diễn giả Nguyễn Quốc Toàn tại Hội nghị Giáo dục của Forbes Việt Nam tổ chức sáng 10-10

Trong giáo dục, yếu tố "tư" thể hiện qua việc thực hiện dịch vụ giáo dục bằng nguồn lực tư nhân (một phần hoặc toàn bộ) thông qua 3 mô hình: đầu tư thành lập trường tư; trường công hoạt động chủ yếu dựa vào học phí của người học. Trong giáo dục ĐH, Việt Nam đang theo mô hình trường công hoạt động chủ yếu dựa vào học phí của người học khi dịch chuyển đa số ĐH công hoạt động theo mô hình dịch vụ công tự chủ tài chính. Trong giáo dục phổ thông, với chính sách phổ cập giáo dục, thị phần giáo dục tư nhân hiện chỉ mang tính "trang trí".

"Trong bối cảnh ngân sách hạn chế và mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, việc tăng chi phí đào tạo trên đầu người học/năm là cần thiết và việc tham gia của hệ thống trường ngoài công lập là tất yếu - hệ thống này là sức ép để trường công đổi mới" - TS Lê Trường Tùng nói.

Tuy nhiên, bức tranh giáo dục trong 20 năm phát triển giáo dục (1999-2019) vẫn nghiêng hẳn về trường công. Năm 1999, tỉ lệ sinh viên ĐH tư chiếm 13,3% thì 20 năm sau chỉ nhích lên 13,5% (tăng 0,5%); số lượng trường tư từ 17 trường tăng lên 68 trường (tăng 51 trường); trường công tăng từ 52 lên 170 (tăng 118 trường).

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2005-2020 đề ra chỉ tiêu đạt 200 sinh viên/vạn dân (2010); năm 2020 đạt 450 sinh viên/vạn dân, 40% là sinh viên ngoài công lập.

Định hướng phát triển ĐH tư trong các nghị quyết, báo cáo chính trị đều đưa ra các chỉ số phát triển trường ngoài công lập đến năm 2025 nhưng nhìn chính sách thì thấy tuy có nhưng không đủ mạnh và mang tính cầm chừng.

Phát huy tài năng, sự nhân văn

TS Lê Trường Tùng đưa ra các kiến nghị như tăng tỉ lệ học ĐH trong độ tuổi đi học (18 đến 23) thay cho tỉ lệ sinh viên/vạn dân bằng mức trung bình khu vực. Tỉ lệ sinh viên/vạn dân không nói lên điều gì; tăng chi phí đào tạo/năm học/học sinh - sinh viên để nâng cao chất lượng bằng cách giảm số lượng trường công để ngân sách đầu tư tập trung. Thực hiện bình đẳng công - tư bằng cách giảm tỉ lệ trường công, tăng tỉ trọng trường tư bằng cách giảm chỉ tiêu trường công 5% trong 5 năm…

Cách học mới cũng là một nội dung trong hội nghị định hướng tương lai. Ông Nguyễn Quốc Toàn, đồng sáng lập và là CEO của Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ EQuest, cho rằng cách học mới không có gì đặc biệt, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp học/rèn luyện đỉnh cao thông qua sự hiểu biết thấu đáo về não bộ, tâm lý người học.

Đam mê của người học đến từ những người thành công. Những người thành công như nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, giáo sư Ngô Bảo Châu hay mới đây là cầu thủ Nguyễn Quang Hải là những người truyền cảm hứng cho những bạn trẻ. Tuy nhiên, những người thành công nói trên luôn có người thầy giỏi dẫn dắt.

Ông Toàn cho rằng trong thời đại ngày nay, công nghệ giúp giải phóng người thầy khỏi việc truyền tải kiến thức để người thầy tập trung vào việc phản hồi, nâng đỡ và truyền cảm hứng cho người học. Thế nhưng, người thầy hiện chưa được giải phóng. Những mối lo cơm áo gạo tiền và những thủ tục hành chính ở trường như điểm danh, viết báo cáo… đang níu chân người thầy trong tự do sáng tạo.

Phụ huynh cũng là đối tượng được ông Toàn nêu ra trong cách học mới khi cho biết thực tế không ít phụ huynh cứ ép học sinh ngồi nhiều giờ để học mà không biết các em chỉ có thể tập trung vào một thời gian nhất định. Theo ông Toàn, các trường trước khi dạy học sinh nên có lớp dạy cho phụ huynh để phụ huynh hiểu và đồng hành với con cái.

Ông Giáp Văn Dương, đồng sáng lập Vietschool và sáng lập Giapgroup, cũng đồng quan điểm cho rằng giáo dục Việt Nam đang đào tạo ra những con người công cụ, điều này không còn phù hợp, không giúp con người sống cuộc sống có ý nghĩa. Vì vậy, cần khai phóng giáo viên từ con người công cụ sang con người tự do mới phát huy hết tài năng, tính nhân văn, tình người.

Giáo dục phẩm chất con người

Cũng tại hội nghị này, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam, đề nghị triết lý giáo dục ở trường cần hướng đến dạy sinh viên kiến thức, kỹ năng và phẩm chất. Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục IEG, trong vai trò dẫn dắt phiên thảo luận cũng như một số khách mời khác nhìn nhận các cơ sở giáo dục lâu nay chỉ chú trọng giáo dục kiến thức, kỹ năng mà quên đi giáo dục phẩm chất con người.

Bài và ảnh: Huy Lân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/khai-phong-de-nguoi-thay-truyen-cam-hung-20191010212604103.htm