Khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2020

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và các đối tác tổ chức khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2020.

Với thông điệp “Đột phá để phục hồi và phát triển xanh vì cuộc sống an lành”, hướng tới mục tiêu đưa ra các đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, loại bỏ các rào cản, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh, Tuần lễ năng lượng tái tạo Việt Nam 2020 là cơ hội để các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Cụ thể, thông qua chương trình, các bên có thể đóng góp ý tưởng, đề xuất cho Quy hoạch Điện VIII đang xây dựng hay đưa ra sáng kiến để vượt qua các rào cản khó khăn trước mắt, hiến kế lâu dài, đột phá cho các chính sách phát triển năng lượng tái tạo và khí hậu, bảo vệ môi trường ở Việt Nam…

 Toàn cảnh khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020. Ảnh: Đinh Luyện

Toàn cảnh khai mạc Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020. Ảnh: Đinh Luyện

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) chia sẻ: Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới chịu thiệt hại nặng nề về cả con người và kinh tế nhưng đồng thời cũng thôi thúc sự chuyển đổi đột phá về tư duy và mô hình phát triển thích ứng.

Đại dịch Covid-19 khiến giá dầu lao dốc, giá than giảm ở mức kỷ lục tại Úc, nhưng Năng lượng tái tạo là nguồn duy nhất vẫn tăng trưởng. Đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than dự báo giảm 11% trong khi tính đến hết năm 2019, công suất điện mặt trời và điện gió đã tăng 15% so với năm 2018.

“Diễn đàn đã trở thành nơi kết nối, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nước, người dân… mong muốn được đóng góp và hiến kế cho chính sách phát triển đột phá năng lượng sạch, kinh tế xanh của nước nhà…” - bà Ngụy Thị Khanh chia sẻ.

Được biết, tại Việt Nam những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.

Tính đến tháng 6/2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất là 657,88MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khai-mac-tuan-le-nang-luong-tai-tao-viet-nam-2020-112114.html