Khai mạc trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề 'Dó Việt Xưa – Nay'

Chiều 24/4, tại Đình Kim Ngân (Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề 'Dó Việt Xưa – Nay'. Thông qua hoạt động này, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội mong muốn giới thiệu, tôn vinh nghề làm giấy Dó truyền thống đang dần bị mai một.

Thiết thực chào mừng 44 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/04/1975 – 30/04/2019) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức một chuỗi các hoạt động với mục đích bảo tồn các giá trị di sản truyền thống. Mở đầu cho chuỗi các hoạt động này là trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Dó Việt Xưa – Nay”.

Toàn cảnh Lễ khai mạc trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Dó Việt Xưa – Nay”

Toàn cảnh Lễ khai mạc trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Dó Việt Xưa – Nay”

Làng nghề thủ công Việt Nam có lịch sử phát triển hàng nghìn năm, trong đó, Thành phố Hà Nội có số lượng làng nghề nhiều nhất nước. Các sản phẩm làng nghề có vai trò rất quan trọng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, thể hiện tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể nói rằng, trong số rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy Dó của người Việt ra đời từ rất lâu và cung cấp giấy cho nhiều nhu cầu khác nhau trong xã hội Việt xưa, đặc biệt là in ấn kinh sách, viết chữ Hán, Nôm, và in tranh dân gian. Cùng với Yên Thái (Hà Nội), Suối Cỏ (Hòa Bình), làng Dương Ổ (Bắc Ninh) là một trong những cái nôi của nghề làm giấy Dó truyền thống trước kia và đã cung cấp giấy khắp các tỉnh miền Bắc và trên cả nước.

Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng Ban quản lý Phố Cổ Hà Nội phát biểu khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, bà Trần Thị Thúy Lan – Phó trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, cho biết: Trong rất nhiều nghề truyền thống, nghề làm giấy Dó của người Việt ra đời từ rất sớm và gắn bó tới cuộc sống của mọi người, mọi nhà. Đó chính là chất liệu để lưu giữ và truyền tải các giá trị văn hóa lịch sử từ ngàn năm. Thông qua triển lãm, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội mong muốn giới thiệu, tôn vinh một nghề truyền thống quý giá của cha ông đang ngày càng bị mai một”.

Các tác phẩm được vẻ trên giấy Dó được trưng bày, giới thiệu tới công chúng trong triển lãm.

Đặc biệt hơn cả, xưa kia loại giấy Dó này còn được dùng để sản xuất giấy sắc, dùng làm sắc phong trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Sở dĩ loại giấy này được sử dụng bởi giấy có tính dai, độ bền, hút ẩm tốt. Một tờ giấy Dó trải qua đúng công đoạn, quy trình có thể lưu giữ hàng trăm năm.

Nói về ý nghĩa của triển lãm, họa sỹ Đào Ngọc Hân – Phó giám đốc trung tâm khảo cổ học ứng dụng chia sẻ: “Từ lâu, giấy Dó đã in đậm trong tâm hồn của bao thế hệ của người Việt, dù là người Việt trong nước hay người Việt đang định cư tại nước ngoài. Có thể nói, công nghệ làm giấy Dó là một di sản phi vật thể của đất nước ta.

Thông qua triển lãm hôm nay, chúng ta không những được chiêm ngưỡng các tác phẩm từ giấy Dó mà còn được nhìn lại công nghệ làm giấy cổ xưa của người Việt từ đó có cái nhìn sâu hơn về một nghề của 36 phố phường của Hà Nội đang bị mai một dần”.

Ngày nay, sự phát triển của giấy công nghiệp đã phần nào lấn át những trang giấy Dó truyền thống vang bóng một thời. Bên cạnh đó, do chưa được quảng bá rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là trong giới trẻ, cho nên giấy Dó truyền thống của Việt Nam chưa thực sự phát huy được hết giá trị trong đời sống hiện nay.

Do đó, thông qua triển lãm, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội mong muốn giới thiệu, tôn vinh một nghề truyền thống của cha ông, dần lấy lại vị thế của giấy Dó trong văn hóa truyền thống của người Việt. Trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống với chủ đề “Dó Việt Xưa – Nay” diễn ra trong gần 1 tháng, bắt đầu từ ngày 24/4 - 25/5/2019.

Ngọc Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khai-mac-trung-bay-gioi-thieu-nghe-truyen-thong-voi-chu-de-do-viet-xua-nay-90351.html