Khai mạc trưng bày đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam'.

Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xây (Pháp) tháng 6/1919.

Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xây (Pháp) tháng 6/1919.

Với hơn 200 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, trưng bày góp phần giới thiệu di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sự ra đời, vai trò và nhiệm vụ của giai cấp Công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với cán bộ, công nhân, tổ chức Công đoàn; những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trưng bày gồm 3 phần: Sự hình thành và phát triển của giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; Giai cấp Công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam làm theo lời Bác.

Theo đó, tại phần đầu tiên Sự hình thành và phát triển của giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, những hình ảnh, hiện vật được Ban tổ chức trưng bày đã thể hiện rõ ngay từ những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động, một chức năng quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn. Từ những cơ sở Công hội đầu tiên trên đất Pháp, những hội tương tế mang nặng tính chất phường hội thị dân, từ những “đốm lửa” Công hội Đỏ đầu tiên của Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu những năm 1920, cùng với sự xâm nhập của tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào nước ta qua Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ những năm 1926 phong trào công nhân phát triển mạnh, đặc biệt theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc nêu ra ở Quảng Châu, những học trò ưu tú của Người như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã phát động phong trào vô sản nổi tiếng, làm cho tổ chức Công hội ở Bắc và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển mạnh mẽ. Đó cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số 15 Hàng Nón, Hà Nội - là tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay.

Những hình ảnh, hiện vật bao gồm: ảnh chụp bức tranh do Nguyễn Ái Quốc vẽ trên báo Le Paria với tiều đề Người dân mất nước và kẻ xâm lược; ảnh Công nhân dưới hầm mỏ dưới thời Pháp thuộc; ảnh Cuộc đình công của công nhân đồn điền cao su Biên Hòa chống tư bản Pháp, đầu thế kỷ XX; ảnh chụp: Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xây (Pháp) tháng 6/1919… Cùng với các hiện vật như sách "Bản án chế độ Thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc xuất bản tại Paris, Pháp, năm 1925; Đồng hồ của chủ nhà máy Xi măng Hải Phòng dùng kiểm tra thời gian sau một ngày làm việc của công nhân; Lưỡi cuốc, Dao, Công nhân Đồn điền Phú Riềng đã dùng làm vũ khí khi đi biểu tình chống thực dân Pháp, năm 1930 tại Sông Bé; Yêu sách, Công nhân Nhà máy Sợi Nam Định gửi cho chủ nhà máy năm 1930…

Tác phẩm Đường Kách mệnh.

Ở phần hai Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Ban tổ chức trưng bày những hình ảnh như ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Công đoàn toàn quốc năm 1949; ảnh Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công đoàn vận tải sông Lô, phân đoàn phụ nữ Tuyên Quang, tháng 3/1949, khen ngợi tinh thần yêu nước, đoàn kết…trong phong trào góp quỹ công lương và phục vụ các chiến dịch; Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với công nhân công binh xưởng Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 2/1951; Hiệu triệu của Đảng lao động Việt Nam (3/3/52) kêu gọi đồng bào chiến sĩ, đảng viên toàn quốc thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch và TW Đảng (tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, củng cố liên minh công nông…)… Các hiện vật cụ thể Cờ canh tác gương mẫu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng anh hùng lao động Hoàng Hanh, năm 1952; Huân chương Lao động hạng Nhất, Chính phủ Việt Nam DCCH tặng công nhân Hỏa xa Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp; Cờ thi đua Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng Tiểu đoàn 387 đã có nhiều thành tích trong chiến dịch Hòa Bình; Thoi dệt, Anh hùng lao động Cù Thị Hậu dùng trong thời kỳ làm việc tại nhà máy Dệt 8-3…

Với những hình ảnh, hiện vật này, Ban tổ chức muốn nêu bật thông điệp Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trải qua cuộc đời người thợ với nhiều nhọc nhằn, khổ cực. Do vậy đối với giai cấp công nhân, Bác đã có một tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Chính vì thế, dù bận trăm công, nghìn việc hay lúc tuổi đã cao, sức đã yếu Bác vẫn thường xuyên đi đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn là tình cảm yêu thương bao la, là những mong muốn mãnh liệt trong việc xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc. Cho đến phút cuối đời, Bác vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiên phong này.

Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam được dịch sang tiếng Việt.

Còn ở phần 3 của chuyên đề trưng bày, các hiện vật, hình ảnh được trưng bày nêu bật thông điệp công nhân, lao động và Tổ chức Công đoàn đang cùng với toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn theo hướng trí tuệ - dân chủ - đoàn kết - sáng tạo, tạo ra động lực thực sự cho sự phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn vì quyền và lợi ích của người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Dự kiến trưng bày sẽ kéo dài trong 3 tháng.

PV

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/khai-mac-trung-bay-dac-biet-ve-chu-tich-ho-chi-minh-d87491.html