Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Sáng 20-5, tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ chín.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội...

Tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai và các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội.

Đúng 8h, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là kỳ họp đặc biệt với chương trình nghị sự gồm nhiều nội dung quan trọng. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN

Quốc hội xem xét, thông qua các dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết về vấn đề quan trọng và Nghị quyết chung của kỳ họp.

Thực hiện tốt "nhiệm vụ kép"

Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

► Toàn văn Báo cáo của Chính phủ

Thủ tướng nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV. Ảnh VGP

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đề ra, đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là 324 ca, trong đó 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong. Liên tục trong hơn một tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng (các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh).

“Thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của nhân dân cả nước. Điều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra những kinh nghiệm quý trong giai đoạn chống dịch, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Theo đó, các cấp, các ngành phải thường xuyên theo dõi sát tình hình, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.

Nêu rõ dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế đất nước, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Trong bối cảnh đó, chúng ta tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề trực tuyến, trong đó có Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”.

Các cấp, các ngành đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước tăng 12,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 2,2%; trong đó vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng 4,2%. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 32,5% dự toán... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.

“Trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả quan trọng này là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, động viên và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ chín tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Cũng trong phiên khai mạc, theo chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Tiến Thành - Hiền Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/967866/khai-mac-trong-the-ky-hop-thu-chin-quoc-hoi-khoa-xiv