Khai mạc trọng thể Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai

8 giờ sáng nay (26-1), Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) khai mạc trọng thể tại hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2. Với phương châm: "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội XIII có sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó có 1.381 đại biểu chính thức do đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 bầu; 15 đại biểu ngoài nước được Bộ Chính trị chỉ định và 191 đại biểu đương nhiên là các Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm 12,4%; đại biểu chỉ định chiếm 0,95%; đại biểu nữ chiếm 13,99%; đại biểu dân tộc thiểu số chiếm 11,03%. Về độ tuổi, đại biểu cao tuổi nhất 77, đại biểu thấp tuổi nhất là 34.

Đại biểu khách mời có các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao. Ngoài ra còn có các bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ… tiêu biểu.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại phiên họp trù bị ngày 25-1 Ảnh: TTXVN

Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại phiên họp trù bị ngày 25-1 Ảnh: TTXVN

Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Đại hội XIII là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Theo phương án của Trung ương thông qua trình Đại hội, Ban Chấp hành khóa XIII sẽ có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Tuy nhiên, con số chính thức phải được Đại hội bầu.

Sau lễ khai mạc, Đại hội làm việc cả ngày 26-1 tại hội trường để thảo luận các văn kiện trình Đại hội. Các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Trước đó, sáng 25-1, Đại hội XIII của Đảng đã họp phiên trù bị tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Trước giờ khai mạc phiên trù bị, các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các trưởng đoàn đại biểu của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương dự Đại hội đặt vòng hoa và dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Bộ Chính trị và Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Đại hội đã biểu quyết tán thành, nhất trí cao thông qua Chương trình phiên họp trù bị, Quy chế làm việc của Đại hội, Chương trình làm việc và Quy chế bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 17 thành viên, trong đó có 16 Ủy viên Bộ Chính trị và ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đại hội bầu Đoàn Thư ký gồm 5 thành viên và Ban Thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội gồm 13 thành viên.

Đại hội đã biểu quyết tán thành, nhất trí cao thông qua Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội XIII của Đảng do Ban Thẩm tra tư cách đại biểu trình. Theo đó, tất cả 1.587 đại biểu được triệu tập dự Đại hội đều đủ tư cách đại biểu Đại hội.

Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội

Ngày 25-1, trao đổi với báo chí trước thềm Đại hội XIII của Đảng chính thức khai mạc vào hôm nay (26-1), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an đã xây dựng Chỉ thị, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng.

Cụ thể như, ngày 10-1 đã tổ chức Lễ ra quân bảo vệ an ninh trật tự trước, trong và sau dịp diễn ra Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu "Tổ chức đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp công tác công an bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội XIII, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội, góp phần vào thành công chung của Đại hội".

V.Duẩn

Ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội

PGS-TS HOÀNG MINH SƠN, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Kỳ vọng giáo dục - đào tạo tăng tốc mạnh mẽ

Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện tầm quan trọng của chính sách của Đảng trong giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Một nền kinh tế vững mạnh chỉ có thể là nền kinh tế tri thức, dựa trên trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo và cần cù của người Việt Nam.

Tôi kỳ vọng Đại hội XIII sẽ tập trung thảo luận và đề ra được những quyết sách để trong thời gian tới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự được coi là quốc sách hàng đầu, những chủ trương về giáo dục và đào tạo mang lại những kết quả tốt. Công tác đổi mới giáo dục và đào tạo trong tương lai sẽ tăng tốc mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Thượng tọa THÍCH ĐỨC THIỆN - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

Lựa chọn được lãnh đạo có tâm, có tầm

Tôi tin tưởng rằng với sự kêu gọi của Đảng về khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển được nêu trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội XIII), Đại hội sẽ lựa chọn ra những vị lãnh đạo có tâm, có tầm nhìn sâu rộng, có tài, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết để đưa đất nước tiếp tục vượt lên tầm phát triển mới. Đồng thời, tin tưởng Đại hội XIII sẽ thành công rực rỡ, mở ra thời kỳ mới cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Đại tá ĐINH VĂN HUỆ (phường 15, quận 10, TP HCM):

Sáng suốt lựa chọn nhân sự

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra nhiều nội dung hết sức quan trọng và đề cập toàn diện đến nhiều vấn đề trọng đại liên quan đến sự phát triển của đất nước. Trong đó, có nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ… Thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp cán bộ trung ương và địa phương bị thi hành kỷ luật do cấp ủy và người đứng đầu xem nhẹ việc xác minh, thẩm định trước khi tiếp nhận tuyển dụng, dẫn đến cán bộ vi phạm khuyết điểm, thậm chí là sai phạm hàng loạt, để rồi phải xem xét, xử lý kỷ luật. Từ thực tế đó, tôi mong muốn Đại hội XIII sáng suốt lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị, uy tín và năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Ông NGUYỄN THANH BÌNH (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa):

Đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế

Tôi mong muốn kỳ Đại hội sẽ lựa chọn được những người xứng đáng, có tâm, có tầm để phục vụ nhân dân, đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức trong những năm tới. Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện công tác chống tham nhũng có hiệu quả để giữ vững thành trì cách mạng. Thứ hai là có những quyết sách sát với thực tế, sát với người dân để phát triển kinh tế, phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cuối cùng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục giữ vững đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc thiêng liêng.

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG:

Quan tâm hơn nữa lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

Tôi rất mừng khi định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đảng đã xác định phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi mong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhận sự quan tâm sâu sát hơn nữa, khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tôc Việt Nam.

T.Hoàng - K.Nam - V.Duẩn - H.L.Anh ghi

Phạm Văn Thế

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khai-mac-trong-the-dai-hoi-xiii-cua-dang-20210125224300349.htm