Khai mạc trọng thể Ðại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

Sáng 21-11, tại Hà Nội, đã khai mạc trọng thể Ðại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 - 2022).

Tới dự, có các đồng chí: Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành ở T.Ư và địa phương; đại diện Ðại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các Ðoàn đại biểu Phật giáo nước ngoài. Ðại hội tổ chức dưới sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Ðức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam khóa VII và sự tham dự của 1.250 đại biểu tăng ni, cư sĩ, phật tử ưu tú trong nước và ngoài nước.

Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.

Diễn văn khai mạc Ðại hội nêu rõ, mục tiêu của Ðại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII là "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển" để thể hiện quyết tâm của toàn thể tăng ni, phật tử Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật, nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, hội nhập, xây dựng Giáo hội phát triển ngày càng vững mạnh trong lòng dân tộc. Kiên định lý tưởng "Ðạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Nhiệm kỳ 2012-2017, Giáo hội đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần hun đúc những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại Ðại hội, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ nêu rõ, cùng với toàn Ðảng, toàn dân, các tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, bằng những việc làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tham gia hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua đó, ngày càng khẳng định GHPG Việt Nam luôn là một tổ chức tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc. Ðảng, Nhà nước ta đánh giá cao và tin tưởng ở vai trò, sức mạnh và hiệu quả đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới ngày nay.

Khẳng định Ðảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính. Ðồng chí Vương Ðình Huệ mong muốn: Ðại hội lựa chọn và suy tôn, suy cử những vị chức sắc tiêu biểu về đạo hạnh và trí tuệ, uy tín và năng lực, đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo T.Ư GHPG Việt Nam. Ðộng viên tăng ni, phật tử cùng toàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, sống hài hòa, đoàn kết hòa hợp với các tôn giáo bạn và các tầng lớp nhân dân; tiếp tục là cầu nối quan trọng giúp kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước.

Tại Ðại hội, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Vương Ðình Huệ trao bức trướng "Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc" tặng Ðại hội; đồng thời, trao Huân chương Ðộc lập hạng nhất, nhì, ba tặng 14 cá nhân; Huân chương Lao động hạng ba tặng hai cá nhân, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phụng sự đạo pháp và dân tộc. Ðồng chí Trần Thanh Mẫn trao 15 Huân chương Ðại đoàn kết dân tộc và 41 Bằng khen của MTTQ Việt Nam tặng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích Phật sự nhiệm kỳ 2012 - 2017. Nhân dịp này, tám tập thể và chín cá nhân thuộc GHPG Việt Nam được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34778402-khai-mac-trong-the-%C3%B0ai-hoi-dai-bieu-phat-giao-toan-quoc-lan-thu-viii.html