Khai mạc triển lãm sơn mài Việt Nam

Ngày 27-4, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (số 50, phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức khai mạc Triển lãm mỹ thuật với chủ đề 'Sơn ta – Sơn mài Việt Nam'.

Tác phẩm trưng bày tại Triển lãm Sơn ta – Sơn mài Việt Nam.

Triển lãm trưng bày nhiều bức tranh, ảnh sơn mài với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau nhưng tất cả các tác phẩm đều sử dụng chất liệu sơn ta và kỹ thuật sơn mài truyền thống. Tiêu biểu là tác phẩm Đêm Cao nguyên – tác giả Nguyễn Tuấn Cường, Mẹ con – tác giả Đặng Hiền, Phong cảnh Hà Giang – tác giả Nguyễn Thị Tiến, Mai Châu – tác giả Trần Đình Bình, Khuôn mặt cũ – tác giả Nguyễn Mạnh Cường, Phong cảnh Mộc Châu – tác giả Nguyễn Thị Tiến...

Cũng trong dịp này, Ban Tổ chức còn giới thiệu với khách tham quan các tư liệu về nghề làm sơn mài, giới thiệu chất liệu, công cụ nghề sơn mài.

Nghề sơn là một nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam. Người nghệ nhân xưa đã sử dụng nhựa của cây sơn, qua một quá trình kỹ thuật đặc biệt để tạo nên những đồ thủ công mỹ nghệ có tuổi thọ hàng trăm năm. Kỹ thuật sơn ta đã tạo ra những bức hoành phi, câu đối, những loại đồ thờ cúng… hết sức độc đáo. Sang thế kỷ 20, các nghệ sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã ứng dụng kỹ thuật sơn ta vào mỹ thuật, tạo ra dòng tranh sơn mài nổi tiếng khắp thế giới. Chính vì vậy, nghề sơn mài truyền thống Việt Nam đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan và các địa phương hợp tác với Hàn Quốc, cùng các nước có di sản văn hóa phi vật thể nghề sơn mài truyền thống, xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO để được xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Triển lãm “Sơn ta – Sơn mài Việt Nam” thể hiện sự nối tiếp, kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông; quảng bá nghệ thuật sơn mài đến công chúng và bạn bè quốc tế. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 6-5.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2018) và ngày Quốc tế lao động 1-5, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội còn tổ chức trình diễn thời trang áo dài, tại khu phố bích họa Phùng Hưng, trình diễn nghệ thuật dân tộc tại một số địa điểm trong khu phố cổ.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/36233702-khai-mac-trien-lam-son-mai-viet-nam.html