Khai mạc triển lãm những bức họa 'Miền Tây Bắc'

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc… trong thơ mà giờ là một Miền Tây Bắc hiện hữu qua Triển lãm tác phẩm của 5 họa sĩ, mỗi người 5 bức: Lê Kinh Tài, Nguyễn Quang Vinh, Lê Minh Đức, Chu Văn, Bùi Văn Tuất.

 Các nghệ sĩ trong buổi khai mạc Triển lãm Miền Tây Bắc

Các nghệ sĩ trong buổi khai mạc Triển lãm Miền Tây Bắc

Triển lãm Miền Tây Bắc là thành quả của trại sáng tác do Vicas Art Studio tổ chức cho các nghệ sĩ sáng tác. 25 tác phẩm trưng bày tại triển lãm được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cuộc sống và con người Tây Bắc Việt Nam vốn là một đề tài đã cũ nhưng dưới cảm nhận của các họa sĩ, Tây Bắc lại mang một phong thái hoàn toàn mới mẻ.

Lấy số 5 làm thời điểm mở màn, Triển lãm Miền Tây Bắc khai mạc lúc 5g chiều ngày mùng 5 tháng 5 với màn biểu diễn múa đương đại của các nghệ sĩ trẻ, cũng là mang đến một màn mở đầu sôi động mang hơi thở hiện đại. Triển lãm mở cửa đón công chúng tham quan thưởng thức các tác phẩm đến hết ngày 01/6 tại Vicas Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội.

Biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ

5 họa sĩ mặc dù sinh sống ở các vùng miền khác nhau nhưng đều có chung cảm hứng sáng tác về Miền Tây Bắc. Mỗi họa sĩ là một tài năng, với những cảm nhận riêng và qua phong cách hội họa của mình đã tạo nên những bức tranh đa sắc màu mà sâu lắng dành cho Miền Tây Bắc của Tổ quốc.

Xin giới thiệu về các họa sĩ tham gia Triển lãm lần này và một số tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm.

Tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài (ảnh Bùi Quang Thắng)

Họa sĩ Lê Kinh Tài là một trong các họa sĩ đương đại thành danh Việt Nam, người vừa được chuyên san Lịch sử nghệ thuật thế giới của Pháp, HISTOIRE DE L’ART, dành riêng cho một số để giới thiệu về nghệ thuật của anh, là người khởi xướng trại sáng tác này. Mỗi một năm, anh rời xưởng đi vẽ phong cảnh thiên nhiên chỉ một lần duy nhất và đây cũng là lần đầu tiên anh vẽ phong cảnh miền núi phía Bắc. Với anh, cảm xúc miền Tây Bắc rất mới lạ và bằng lối vẽ rất riêng của mình, anh đã đem đến cho người xem một sự lạ hóa: Sắc màu và nhịp điệu Tây Bắc trong tranh anh không dịu êm, mênh mang, toàn cảnh, mà rực rỡ, đối chọi và cận cảnh (những hòn đá thay vì những dãy núi cao và con đường uốn lượn, những cuộn mây trắng xoay tròn thay vì bầu trời xanh yên ả...

Đường lên Tây Bắc - HS Nguyễn Quang Vinh (ảnh Bùi Quang Thắng)

Nguyễn Quang Vinh: là họa sĩ được đào tạo bài bản ở Liên Xô (cũ), hiện là giảng viên Khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Là họa sĩ rất giỏi về lối vẽ hiện thực- biểu hiện, nhưng kỳ đi thực tế này anh lại thể hiện sự đa dạng của mình ở rất nhiều lối vẽ: Ấn tượng (như tác phẩm “Đường lên Tây Bắc 1&2”), Dã thú (như “Rừng xanh núi đỏ”) và biểu hiện (như “Ngôi nhà trắng”, “Ngôi nhà đỏ”). Chính sự biến hóa ấy đã làm cho “miền Tây Bắc” của anh trở nên kỳ bí, hấp dẫn và rất mới.

Phong cảnh Mộc Châu - HS Lê Minh Đức (ảnh Bùi Quang Thắng)

Lê Minh Đức: họa sỹ có xu hướng đi theo chủ nghĩa biểu hiện mới (Neo- expressionism). Anh thường vẽ những gì mình cảm thấy, những gì anh nhìn thấy chỉ là cái gây cảm hứng về màu sắc mà thôi. Có thể nói rằng đây là lối vẽ trọng màu/ nhẹ hình, vì thế đôi khi có người lầm tưởng rằng anh vẽ trừu tượng. Với Đức, vẽ chính là cuộc chơi màu: Màu này chồng màu kia để tạo hiệu quả thị giác cao, mảng màu này kéo theo mảng màu khác ngẫy nhiên, bất chợt - một trò chơi cuốn hút, liên miên, không ngơi tay.

Đường về bản - HS Chu Văn (ảnh Bùi Quang Thắng)

Chu Văn: là họa sỹ sử dụng bay rất điêu luyện và đầy cảm xúc. 5 bức tranh của anh trong triển lãm này đều được tạo nên bằng những mảng màu được đặt chuẩn xác và tinh tế mà không phải dùng bất cứ đường nét nào. Lối vẽ này rất gần với lối vẽ trừu tượng, nhưng Chu Văn không vẽ trừu tượng mà anh vẽ hiện thực theo lối biểu hiện: Cứ theo những lớp màu chồng lên nhau, một phong cảnh thiên nhiên bình dị nhưng rất lãng mạn miền Tây Bắc lại từ từ hiện lên: Khi là những bụi tre ven sông, khi là con đường về bản, khi là nắng trên mặt ao, khi là một trận mưa rừng...

Tranh của HS Bùi Văn Tuất (ảnh Bùi Quang Thắng)

Bùi Văn Tuất là họa sỹ có biệt tài vẽ chân dung những cô bé gái người thiểu số ở Việt Nam. Anh có nhiều chuyến điền dã ở Mộc Châu, khá thân thiết với bà con ở bản mà nhóm họa sỹ đến thăm quan. Vì thế những tác phẩm của anh lần này- những chân dung- đã được anh trực họa rất nhanh và rất đúng thần thái của những trẻ em dân tộc thiểu số. Khác hẳn với những tác phẩm theo xu hướng hiện thực được vẽ trong studio, những tác phẩm lần này của Bùi Văn Tuất nghiêng về chủ nghĩa biểu hiện.

Võ Vân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/khai-mac-trien-lam-nhung-buc-hoa-mien-tay-bac-335125.html