Khai mạc Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét 3 dự án luật về PPP, thanh niên, lao động

Ngày 20-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành ngày làm việc đầu tiên theo chương trình Phiên họp thứ 44, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho ý kiến vào 3 dự án: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc phiên họp, sau khi điểm qua đầu việc mà UBTVQH sẽ tiến hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là phiên họp dài, có nhiều nội dung chuyển từ các phiên họp khác sang. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành của Chính phủ đã nỗ lực tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp. Các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành họp trực tuyến để thẩm tra, bảo đảm các nội dung trình UBTVQH tại phiên họp này. Khối lượng lớn các nội dung trình UBTVQH cũng như chuẩn bị nội dung báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được chuẩn bị theo phương thức mới.

PPP cần cơ chế đặc thù, nhưng phải rõ ràng

Cho ý kiến vào dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP, UBTVQH nhất trí quan điểm, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật phải là nguyên tắc hàng đầu. PPP cần có quy định đặc thù để thu hút đầu tư, nhưng Điều 3 dự luật phải quy định rõ ràng, cụ thể những quy định nào là đặc thù, khi có xung đột với các quy định khác thì áp dụng luật nào, có dẫn chiếu đầy đủ. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định như vậy để tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp “không biết thế nào mà vận dụng” khi luật có hiệu lực.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN.

Về lĩnh vực đầu tư, UBTVQH cơ bản tán thành với 5 lĩnh vực mà dự luật đưa ra. Ngoài ra, UBTVQH cũng đề nghị cân nhắc mở rộng một số lĩnh vực khác có thể áp dụng hình thức đầu tư PPP. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị sử dụng cụm từ “công nghiệp điện” thay cụm từ “nhà máy điện” để bảo đảm toàn diện. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cân nhắc mở rộng thêm lĩnh vực lưới điện, truyền tải điện, vì thực tế ngân sách nhà nước chưa đủ để đầu tư hệ thống truyền tải điện.

UBTVQH thống nhất, quy mô đầu tư của dự án PPP ở lĩnh vực giáo dục, y tế, hay ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì mức tối thiểu là 100 tỷ đồng, các lĩnh vực, khu vực còn lại thì quy mô tối thiểu là 200 tỷ đồng; chỉ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP khi đã sử dụng hết nguồn dự phòng mà quy mô vẫn tăng thêm lớn hơn 10%, tuy nhiên cần khống chế mức trần để không “tăng vô tội vạ”; chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư là quy định cần thiết, cởi mở để thu hút đầu tư, nhưng chỉ chia sẻ rủi ro khi Nhà nước thay đổi quy hoạch hoặc thay đổi chính sách, pháp luật làm giảm doanh thu hoặc thua lỗ; quy định kiểm toán là cần thiết vì liên quan tới tài sản công, đầu tư công.

Rõ trách nhiệm của thanh niên

Thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), UBTVQH đánh giá, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự luật trình UBTVQH lần này gần như khác hoàn toàn so với dự luật trình lần thứ nhất lên UBTVQH và Quốc hội. Trách nhiệm của thanh niên với đất nước, xã hội, gia đình và bản thân đã rõ ràng hơn.

Một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc dự luật quy định theo cách thức liệt kê các nhóm đối tượng thanh niên, cho rằng liệt kê như vậy vừa thừa, vừa thiếu. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị quan tâm tới nhóm tinh hoa, xung kích để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, tạo điều kiện cống hiến, như nhóm sinh viên, thanh niên tình nguyện, thanh niên đang phục vụ trong lực lượng vũ trang. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, nếu liệt kê thanh niên theo từng nhóm đặc thù thì còn thiếu lực lượng thanh niên đang học tập, lao động ở nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, nếu liệt kê cụ thể sẽ rất khó và có những chỗ vô lý, chỉ nên tập trung vào mấy nhóm mang tính đặc thù, như thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong; tập trung để xây dựng lực lượng mang tính nòng cốt, các nhóm khác đều đã có luật riêng để điều chỉnh.

UBTVQH cơ bản nhất trí với phương án do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Bộ Nội vụ vẫn thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác thanh niên; Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam vẫn là một ủy ban tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị xem xét việc thành lập Bộ Thanh niên. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nghiêng về quan điểm này. Theo lý giải của Chủ tịch Quốc hội, việc thành lập Bộ Thanh niên sẽ không làm phát sinh biên chế, trụ sở mới, không phát sinh thêm ngân sách, vì chuyển nguyên từ hệ thống Đoàn Thanh niên sang, Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng thời làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên; không chồng chéo chức năng quản lý vì lúc đó, Bộ Nội vụ phải chấm dứt chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Singapore là quốc gia có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng cũng tổ chức Bộ Thanh niên và Thể thao; năm 1946, nước ta đã có Bộ Thanh niên. Có ý kiến đề nghị chuyển chức năng quản lý nhà nước từ Bộ Nội vụ sang Đoàn Thanh niên, nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng như thế không hợp lý, vì Đoàn Thanh niên không có chức năng quản lý nhà nước…

Lao động Việt Nam ở nước ngoài hướng tới trình độ cao

Xem xét dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), nhiều ý kiến trong UBTVQH cùng cho rằng, đây là lực lượng thể hiện bộ mặt của quốc gia. Bởi vậy, thay vì đưa người đi nước ngoài lao động theo hướng giản đơn, phổ thông, cần hướng tới lao động trình độ cao, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Nhắc tới vấn đề lao động Việt Nam ở lại nước ngoài một cách bất hợp pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, thay vì quy định cấm người lao động ở lại nước ngoài một cách bất hợp pháp thì quy định cấm tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài bất hợp pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, khi lãnh đạo một số nước đề nghị Việt Nam quan tâm quản lý lao động ở nước ngoài để họ không ở lại trái phép, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ thực trạng và đề nghị: Rất nhiều lao động Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp, nhưng chủ sử dụng lao động ở nước đó thích lao động Việt Nam nên tạo điều kiện để lao động Việt Nam ở lại bất hợp pháp khi đã hết thời hạn hợp đồng. Bởi vậy, các cơ quan quản lý của nước sở tại cũng cần chú ý việc này, yêu cầu chủ sử dụng lao động không được để người lao động Việt Nam ở lại bất hợp pháp…

Các ý kiến cũng đề nghị, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính để minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động ra nước ngoài, phải xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc để trục lợi bất chính, vô trách nhiệm với người lao động; sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài, người lao động về nước cần được tạo điều kiện tìm kiếm việc làm phù hợp; tiếp nối chính sách bảo hiểm mà người lao động đã đóng ở nước bạn; chú ý cân bằng giữa nhu cầu lao động ở nước ngoài với nhu cầu lao động trong nước, vì thực tế nhiều lĩnh vực trong nước cũng đang thiếu lao động…

Ngày 21-4, UBTVQH tiếp tục làm việc.

THÙY LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/khai-mac-phien-hop-thu-44-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-xem-xet-3-du-an-luat-ve-ppp-thanh-nien-lao-dong-615805