Khai mạc Hội nghị Thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các tỉnh ĐBSCL

Đã có 30.645 lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long đi làm việc ở nước ngoài tính từ 2016 đến tháng 10/2019, sôi động nhất là thị trường Nhật Bản và thị trường Đài Loan. 50 doanh nghiệp TP.HCM đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại 13 tỉnh ĐBSCL để tư vấn, tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hội nghị thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Vĩnh Long

Sáng ngày 29/11, tại Vĩnh Long diễn ra Hội nghị Thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức.

Tham dự hội nghị quan trọng này, có lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh ĐBSCL, hơn 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi làm việc ở nước ngoài, các Trung tâm giới thiệu việc làm, khối các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết: Trong những năm qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được chú trọng. Theo số liệu thống kê sơ bộ đến hiện nay đã có hơn 1.300.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài là một cách giảm nghèo, nâng cao tay nghề của người lao động.

Các đại biểu tại Hội nghị

13 tỉnh ĐBSCL có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn, Hội nghị này nhằm thúc đẩy, đẩy mạnh người lao động trên địa bàn ĐBSCL được tiếp cận và xuất khẩu sang làm việc ở nước ngoài, góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống của người dân. Góp phần đẩy mạnh công tác tuyển sinh của các trường nghề ở ĐBSCL.

Nhưng bên cạnh đó hiện nay chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn yếu, tay nghề người lao động còn thấp vì vậy phải gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp, lao động - việc làm và xuất khẩu lao động để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội.

"Tôi mong muốn các doanh nghiệp thành công trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tìm về với người lao động 13 tỉnh ĐBSCL, giúp người dân có cơ hội học nghề để đi làm việc ở nước ngoài, tạo nguồn thu nhập ổn định từ đó nâng cao đời sống kinh tế xã hội…", Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngời nước kỳ vọng.

Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Bách Khoa mong muốn nhiều con em tỉnh nhà được đi lao động ở nước ngoài

Phát biểu khai mạc với tư cách chủ nhà, đại diện tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Bách Khoa, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Vĩnh Long, chia sẻ: "Vĩnh Long là vùng đất được mệnh danh địa danh nhân kiệt, là quê hương của nhiều vị danh tướng tài ba, trong thời gian qua Vĩnh Long luôn chú trọng công tác an sinh xã hội, lao động việc làm…Năm 2018 tỉnh Vĩnh Long đã đưa hơn 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, được xem như là một trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh.

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã giúp gia đình người lao động thoát nghèo, nâng cao trình độ lao động và thúc đẩy kinh tế địa phương…

Hội nghị thu hút gần 50 doanh nghiệp tại TP.HCM, ĐBSCL tham gia

Song hiện nay công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở Vĩnh Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn, Chưa nắm được nhu cầu của các thị trường lao động, yêu cầu của các doanh nghiệp…

Để người lao động có cơ hội tiếp cận và tham gia làm việc ở thị trường lao động nước ngoài, tôi mong muốn trong thời gian tới được sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện giúp người lao động ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung được đào tạo nghề và xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài".

Ông Tống Hải Nam - Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước: " Thị trường Nhật Bản và Đài Loan đang thực sự bùng nổ từ 68.000 người năm 2018 tăng lên 71.000 lao động đến T10/2019 và năm sau luôn cao hơn năm trước. Sắp tới sau khi sửa đổi Luật 72/2006/QH11 về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thì việc cấp phép cho doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn nhiều, tạo điều kiện thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài sẽ hiệu quả hơn.". Tuy nhiên cần mở rộng thêm thị trường lao động để san sẻ nếu 2 thị trường là Nhật Bản và Đài Loan có thay đổi chính sách về tiếp nhận lao động.

Hội nghị Thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các tỉnh ĐBSCL tại Vĩnh Long sẽ diễn ra cả ngày 29/11 với nhiều các bài tham luận, trao đổi tập trung vào việc đánh giá tình hình chung về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài các tỉnh ĐBSCL. Tìm hiểu các mô hình hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, các vướng mắc trong việc thực hiện tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Minh Nghĩa - Xuân Trường - Tiến Sơn

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/khai-mac-hoi-nghi-thuc-day-cong-tac-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-tai-cac-tinh-dbscl-20191129100030233.htm