Khai mạc Hội nghị Di sản Văn hóa Phi vật thể Châu Á - Thái Bình Dương 2018

Sáng 6/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản Văn hóa Phi vật thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ICHCAP) tổ chức khai mạc Hội nghị Di sản Văn hóa Phi vật thể Châu Á - Thái Bình Dương 2018.

Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ khai mạc. Nguồn: Asia-Pacific ICH NGO

Tham dự Hội nghị có đại diện 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể từ 16 quốc gia khác nhau. Trong số những người tham gia có những thành viên là đại diện của Diễn đàn NGO ICH (Diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể). Các tổ chức tham gia đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia và cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể với các mục tiêu khác nhau như phát triển cộng đồng địa phương, xóa đói giảm nghèo, phục hồi đô thị và xây dựng năng lực cộng đồng, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của họ góp phần vào việc phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, TS. Marc Jacobs - Giám đốc Trung tâm giao lưu Flemish về di sản văn hóa đã trình bày báo cáo đề dẫn "Các tổ chức Phi Chính phủ (NGOs) và việc bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (ICH): với CGIs, ODs, EPs, SDGs và ORFs".

Toàn cảnh Lễ khai mạc Hội nghị. Nguồn: Asia-Pacific ICH NGO

Tiếp đó là 3 phiên làm việc với các nội dung: Vai trò của tổ chức phi chính phủ đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển cộng đồng. Các tham luận tại phiên làm việc gồm: Cùng hợp tác nhằm đạt đến các Mục tiêu của Công ước 2003 và đóng góp vào phát triển bền vững (Bà Ananya Bhattacharya - Ủy viên Điều hành, Diễn đàn Tổ chức phi chính phủ về Di sản Văn hóa Phi vật thể); Các tổ chức xã hội làm tăng giá trị (GS. Amareswar Galla - Giám đốc, Viện Quốc tế Bảo tàng Hội nhập); Vai trò của các tổ chức Phi Chính phủ tham gia bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể ở Trung Quốc (Xiaoyu Hu - Viện Di sản văn hóa phi vật thể Trung Quốc tại Đại học Sun Yat-sen); Thừa nhận vai trò của giáo dục không chính quy trong phát triển hệ thống chữa bệnh truyền thống (Ganesh Purohit - Giám đốc, Tổ chức Jagran Jan Vikas Samiti); Văn hóa vượt khỏi lớp học: Nâng cao nhận thức về Di sản văn hóa phi vật thể thông qua các chương trình giáo dục nghệ thuật phi chính quy dành cho giới trẻ (Charis En-Ping Loke - Quản lý chương trình nghệ sỹ & Đào tạo viên, Arts-ED Penang); Hoạt động Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An (Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Bảo tàng-Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An); Lễ hội của các ngôi chùa: Vai trò của các Ban Quản trị các chùa trong duy trì Văn hóa phi vật thể tại khu vực Bagan (PGS. TS. Aye Aye Oo - Đại học Yangon University); Vai trò của Ciqam trong công tác bảo tồn và phát huy Di sản Phi vật thể tại Gilgit Baltistan và Chitral (Aqeela Bano - Quản lý, Dịch vụ Văn hóa Aga Khan Pakistan); Di sản văn hóa phi vật thể của người Dao, người Hà Nhì với việc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai - một phân tích so sánh (Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam).

Ngày mai 07/11, Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận phiên 4, 5 và một phiên đặc biệt về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể ở Việt Nam./.

Thanh Thủy (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/khai-mac-hoi-nghi-di-san-van-hoa-phi-vat-the-chau-a-thai-binh-duong-2018-20181106124743822.htm