Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 11

Sáng 19-11, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI khai mạc Hội nghị lần thứ 11 dưới sự chủ trì của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI khai mạc Hội nghị lần thứ 11

Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội họp bàn nhiều nội dung quan trọng: Quán triệt kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2018; chủ đề công tác năm 2018 của thành phố.

Thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,5%. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,8% so thực hiện năm 2016, trong đó, thu nội địa 187,64 nghìn tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 16,2%. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 77,262 nghìn tỷ đồng.

Chỉ số PCI tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; DN kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%. Phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP (8 dự án đã hoàn thành với vốn đầu tư 13.683 tỷ đồng; 12 dự án đang thực hiện với vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng); cấp đăng ký DN cho 25.160 DN, tăng 11%, vốn đăng ký 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số DN trên địa bàn là 231,92 nghìn DN.

TP đang xem xét phê duyệt Kế hoạch khuyến khích hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thành lập DN để phấn đấu đến hết năm 2020 toàn TP có 400 nghìn DN.

TP quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM). Đã có thêm 2 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM nâng tổng số lên 4 huyện NTM; có thêm 30 xã đạt chuẩn (KH là 22 xã), nâng tổng số lên 285 xã NTM (tỷ lệ 73,8%).

Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị, thực hiện văn minh đô thị cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đã thẩm định, đang bổ sung, hoàn thiện 6 đồ án quy hoạch; triển khai lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 4 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ (đã có báo cáo ý tưởng quy hoạch 10 khu); nghiên cứu một số quy hoạch đặc thù; triển khai chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng. Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới khoảng 11 triệu m2, trong đó nhà ở nhà ở xã hội dự kiến là 60,69 nghìn m2.

Trật tự và văn minh đô thị được quan tâm toàn diện. Rà soát, kiểm tra số lượng các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng. Tích cực kiểm tra các công trình xây dựng; quyết liệt xử lý vi phạm các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" tồn từ trước 2016. Hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến. Tiếp tục thực hiện Chương trình “Một triệu cây xanh”, lũy kế đã trồng được 462 nghìn cây, đạt 46,2% mục tiêu. Thi công hạ ngầm tại 41/56 tuyến phố theo kế hoạch giai đoạn 1, trong đó 16 tuyến cơ bản hoàn thành. Tổ chức thực hiện tốt phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và thi công các dự án trọng điểm... Sắp xếp điều chuyển 623/681 nốt vận chuyển hành khách liên tỉnh; đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh; cơ bản giải quyết 8/41 điểm ùn tắc giao thông; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè được chấn chỉnh, có bước tiến bộ. Thí điểm dịch vụ Iparking trên 2 tuyến phố, đồng thời khảo sát toàn bộ các điểm đỗ xe, tuyến đường để xem xét nhân rộng.

Quản lý đất đai, GPMB tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt; đã cấp GCN quyền sử dụng đất, nhà ở đạt 98,4% và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%. Bàn giao 1.000ha đất của 300 dự án GPMB, chi trả 10.000 tỷ đồng và tổ chức tái định cư cho 1.200 hộ gia đình, cá nhân.

Hai chủ đề công tác năm 2018 của thành phố

Trong bối cảnh trung ương chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại bộ máy, cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đề xuất hai chủ đề của năm 2018 để thành phố tập trung chỉ đạo, điều hành gồm:

Chủ đề 1: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Chủ đề 2: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp.

Trên cơ sở chủ đề này, thành phố đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018: Tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy thành lập doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài; tậu trung triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm; rà soát và có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng thiếu trường học công lập tại các khu vực đô thị hóa cao; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường; bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp nước sạch, bảo đảm xử lý chất thải rắn; tiếp tục chương trình trồng 1 triệu cây xanh, hạ ngầm cáp điện, thông tin trên các tuyến phố...

Điều chỉnh, bổ sung dự án công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020

Theo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ bổ sung 3 dự án và điều chỉnh thông tin đối với 3 dự án. Cụ thể:

*Bổ sung 3 dự án: -

Xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt – đường Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (vành đai 2,5) theo chỉ đạo của Thành ủy tại Thông báo số 767-TB/TU ngày 19-6-2017. Dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 503 tỷ đồng.

- Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QL1A cũ), quận Hoàng Mai. Dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố, tổng mức đầu tư dự kiến 672 tỷ đồng.

- Xây dựng Hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 theo hình thức hợp đồng BT (tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng). Dự án do Công ty cổ phần Tasco đề xuất.

*Điều chỉnh thông tin 3 dự án:

- Điều chỉnh từ “Ngân sách thành phố, ODA” thành “Ngân sách thành phố và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị, hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện (riêng 2 dự án: Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến 3, đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư “Ngân sách thành phố, ODA”).

- Điều chỉnh từ “BOT” thành "BOT hoặc BT” đối với 3 dự án: Cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu); Vành đai 4: Từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Cầu Đuống 2 - đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh).

- Điều chỉnh từ “PPP đặc thù” thành “Xã hội hóa theo Nghị quyết 93 của Chính phủ” đối với dự án Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ.

Như vậy, danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 sau điều chỉnh, bổ sung gồm 55 dự án (gồm 27 dự án ngân sách và ODA; 26 dự án đầu tư theo hình thức PPP và 2 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa).

T.Quang

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/khai-mac-hoi-nghi-ban-chap-hanh-dang-bo-thanh-pho-ha-noi-lan-thu-11-107465.html