Khai mạc Hội nghị 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X

Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khai mạc sáng 27/11, tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Nhiều thành tựu

Theo Ban tổ chức, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X, phát triển “tam nông” đã đạt được những kết quả quan trọng: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25% năm 2017; tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017.

Năng suất chất lượng hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngay càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến việc khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá… góp phần tăng trưởng GDP năm 2017 ngành nông nghiệp đạt 2,66%, quy mô GDP của cả ngành tăng gấp 1,25 lần năm 2018.

Bên cạnh đó, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, được nhiều sự ủng hộ với 3.069 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp được đẩy mạnh một cách hiệu quả, tạo ra 7,2 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo có chứng chỉ là 13,7%, tăng 5,5% so với 2008.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc thực hiện Nghị quyết 26/2008/NQ/TW về “tam nông” vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yeu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân đã cải thiện nhưng vẫn còn tháp. Tỷ lệ hộ nghèo con cao, đặc biệt vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghi quyết TW 7 khóa X cho biết, Nghị quyết 26/2008/NQ-TW là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập đến “tam nông”, trong đó xác định nông dân là chủ thể. Giải quyết tốt tam nông là nhiệm vụ quan trọng của toàn đảng, toàn dân.

“Qua 10 năm thực hiện, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, vai trò và vị thế của nông dân được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu vẫn còn hạn chế, nhất là tổ chức sản xuất, tính hiệu quả của sản xuất. Đến năm 2020 có một số mục tiêu của Nghị quyết có khả năng không đạt”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, thực tiễn này đặt ra yêu cầu đến năm 2030, tầm nhìn 2045, chúng ta cần có Nghị quyết mới của Đảng để lãnh đạo và phát triển tam nông, Vì thế, Hội nghị này sẽ cung cấp thêm luận cứ để hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị.

Hợp tác xã là cứu cánh cho nông nghiệp

Tại Hội nghị, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết 26 về “tam nông” cho biết: 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, nền nông nghiệp có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất, tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng.

Cụ thể: Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế mỗi địa phương và cả nước gắn với nhu cầu thị trường.

Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản nâng cao. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên. Năm 2017 đạt 90,1 triệu/ha đất trồng trọt. Một số nông sản đã khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.

Giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 đạt 6,48%/năm. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển đổi tích cực. Số hộ làm dịch vụ ở nông thôn là hơn 45%.

Hết 2017, cả nước có 34.000 trang trại, có 11.700 HTX nông nghiệp, 1.154 HTX phi nông nghiệp, 1184 quỹ tín dụng nông dân với 4,3 triệu thành viên. Đến tháng 7/2018 đã có gần 50.000 DN nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động.

Trong 10 năm qua, tổng ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn đạt 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn còn thiếu ổn định. Nhiều năm tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn mục tiêu 3,5 – 4% như Nghị quyết đề ra. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản chưa cao. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao.

Về nguyên nhân, ông Cao Đức Phát cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của tam nông ở nhiều nơi chưa đầy đủ, nhiều nơi chưa quán triệt tốt phương dâm “nông dân là chủ thể”. Cơ chế chính sách ban hành nhiều nhưng chủ yếu ngắn hạn và chưa đồng bộ. Nguồn vốn cho thực hiện các nhiệm vụ trong thực hiện Nghị quyết 26 còn dựa nhiều vào Ngân sách mà ngân sách mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Bộ máy quản lý nhà nước ở nông thôn đông nhưng chưa mạnh.

Đề xuất giải pháp phát triển “tam nông” thời gian tới, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần phải xác định Hợp tác xã là cứu cánh cho nông dân chứ không thể cứ để Nhà nước dẫn dắt, giải cứu nữa. Ông cũng nhấn mạnh, vai trò dẫn dắt thị trường của DN rất cao, và hỗ trợ DN chính là hỗ trợ cho tam nông.

“Nếu coi HTX là cứu cánh cho nông nghiệp thì nên có Nghị định hợp tác xã cho nông nghiệp riêng với các hợp tác xã khác, hợp tác xã nông nghiệp phải làm sao gắn kết được với triết lý mua chung, bán chung hoạt động chung thì mới có kinh tế hộ trong từng ngành hàng phát triển tốt hơn”, ông ông Lê Minh Hoan nói.

Cũng đồng tình với điều này, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, quan tâm đến sản xuất nông nghiệp thì phải thông qua hợp tác xã và DN, đồng thời đưa khoa học công nghệ vào. Việc sản xuất theo chuỗi cũng phải có vai trò của DN.

“Những vấn đề tích tụ về đất đang rất khó khăn, khi đã có kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này thì cần được cụ thể hóa. Chỉ khi tích tụ ruộng đất thành công thì mới có cơ hội cho DN, nông dân ứng dụng KHCN”, ông Lê Đình Sơn kiến nghị.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khai-mac-hoi-nghi-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-7-khoa-x.aspx