Khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018: Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang!

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu trong đêm khai mạc Festival

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu trong đêm khai mạc Festival

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong đêm khai mạc Festival.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong đêm khai mạc Festival.

Tối 30-11, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 chính thức khai mạc tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku, Gia Lai. 13 năm qua, kể từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (nay là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), cả thế giới đã biết đến cồng chiêng bằng sự ngưỡng mộ, háo hức. Năm 2006, Gia Lai đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO. 12 năm sau, Gia Lai trở thành nơi tổ chức lễ hội văn hóa cồng chiêng nhằm tôn vinh những giá trị về một di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên...

Cồng chiêng gắn với cư dân đồng bào DTTS ở Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong vòng sinh - tử của đời người, gắn với sự kiện quan trọng của cộng đồng buôn, làng. Từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới, lễ bỏ mả... cho đến lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới... không bao giờ thiếu tiếng cồng chiêng. Nơi đại ngàn này, người Gia Rai có chiêng Ania, Pơ soi, chiêng Pôm, chiêng Pát, chiêng Yoân, Honh; người Ba Na có chiêng Guông, Acheo, chiêng Lào; người Xơ Đăng có chiêng Goong, Guông, chiêng Hleng, chiêng Mẽh, Wach, Buar...; người Brâu có chiêng Tha, Mam, Brôm, chiêng Goong...; Giẻ Triêng có chiêng Nỉ, chiêng Ngô, KhLeng, chiêng xum... Trong không gian văn hóa cồng chiêng đó, không chỉ có cồng chiêng mà gắn với những yếu tố, bộ phận: các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (lễ pơ thi, lễ mừng lúa mới, nhà rông mới, lễ cúng bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà mả, nhà rông, nhà dài, nhà gươl, kể cả những cánh rừng cạnh các buôn làng...). Cồng chiêng không chỉ là đời sống, văn hóa mà còn là phần tâm linh khi các cư dân bản địa ở đây tin rằng cồng chiêng là cầu nối giữa con người với thần linh. Thông qua tiếng cồng, tiếng chiêng, buôn làng có thể bày tỏ, gửi gắm lời cầu khấn của mình mong cho Yang (trời) phù hộ buôn làng no ấm, không ai ốm đau, mùa màng bội thu. Cồng chiêng còn đi vào các loại hình nghệ thuật khác như khan, sử thi, lời hát như để khẳng định sự trường tồn của loại nhạc cụ độc đáo này... Với chủ đề "Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên", Festival lần này sẽ mang đến những nét văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Tây Nguyên với việc phục dựng lại những lễ hội, những nghi thức độc đáo, trình diễn cồng chiêng, tạc tượng gỗ dân gian... Cùng với đó là các hoạt động văn hóa, ẩm thực khác nhằm giới thiệu đến du khách, bạn bè quốc tế những nét đặc sắc, đậm đà bản sắc của các dân tộc cư trú trên đại ngàn Tây Nguyên.

Quảng trường Đại đoàn kết (TP Pleiku) với đêm khai mạc đầy màu sắc và tràn ngập tiếng cồng chiêng.

Phát biểu tại đêm khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, chia sẻ: "Đây là hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy, tôn vinh giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; kết nối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc có cồng chiêng, tạo sự đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc anh em, là điều kiện để du khách tìm hiểu cơ hội đầu tư, du lịch ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Trong dịp liên hoan này, thông qua các hoạt động lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ, trình diễn nghệ thuật dân gian và hội thảo khoa học, chúng ta sẽ cùng nhau thưởng thức, cùng nhìn lại một phần thực tế phong phú, đa dạng, của các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các tỉnh Tây Nguyên".

Đêm khai mạc là "bữa đại" tiệc về âm thanh, ánh sáng với tiếng cồng chiêng âm vang nơi Quảng trường Đại đoàn kết với sự tham gia của 1.000 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật đêm khai mạc là cầu nối với người dân, du khách, bạn bè quốc tế qua các chương: Huyền thoại đất và người Gia Lai, Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên, Cồng chiêng Tây Nguyên - nhịp nối những trái tim. Bằng sự thể hiện của các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ cùng các em học sinh, một không gian ngập tràn tiếng cồng chiêng với những điệu múa, bài hát và sắc vàng của hoa dã quỳ, đỏ rực của hoa pơ-lang, của cây nêu - báo hiệu Tây Nguyên vào mùa lễ hội. Ấn tượng với người xem là tiết mục hòa tấu cồng chiêng Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên mở màn đêm hội vô cùng ấn tượng. Âm vang cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên hòa chung nhịp điệu, tiết tấu thể hiện mối đoàn kết như lời Bác dặn "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau". Dù nhân dân Tây Nguyên chưa được đón Bác vào thăm nhưng tấm lòng người dân Tây Nguyên luôn hướng về Bác, vẫn luôn mang trong tim hình ảnh của Người - đó là điểm tựa sức mạnh tinh thần, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn.

Trong không khí rộn ràng, đầm ấm của đêm khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng bày tỏ: "Thưa bà con các đồng bào Tây Nguyên! Nhớ lại 13 năm trước, UNESCO đã trao chúng ta một danh hiệu cao quý Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với thời gian, tiếng cồng, tiếng chiêng theo không gian di sản truyền khẩu của núi rừng đại ngàn vẫn luôn vang vọng trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại... Điều đáng mừng là tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân lớn tuổi, đặc biệt rất đông các em, các cháu thiếu nhi - những người sẽ tiếp tục kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại... Đảng và Nhà nước gửi gắm sứ mệnh giữ gìn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên".

Đêm khai mạc đọng lại trong lòng du khách, bạn bè quốc tế về một không gian văn hóa cồng chiêng sống động, kỳ diệu và đậm đà bản sắc. Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lần này là sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, góp phần đưa tiếng cồng, tiếng chiêng mãi vang xa trên đại ngàn cao nguyên hùng vĩ này!

MINH TÂN

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn năm 2018. Trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm, tặng quà, động viên, hỏi thăm sức khỏe, đời sống gia đình ông Nguyễn Trọng Đông, thương binh hạng 1/4 và bà Lê Thị Hiến, cán bộ lão thành cách mạng đang sinh sống tại TP Pleiku.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_198990_khai-mac-festival-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen-2018-de-tieng-cong-chieng-mai-ngan-vang-.aspx