Khai mạc Diễn đàn nhằm khai thông thị trường thực phẩm Halal 1.400 tỷ USD

Sáng 30/11, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn 'Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam'. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Khai mạc Diễn đàn nhằm khai thông thị trường thực phẩm Halal 1.400 tỷ USD, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khai mạc Diễn đàn nhằm khai thông thị trường thực phẩm Halal 1.400 tỷ USD, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal, tầm quan trọng của chứng nhận Halal và các biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Sự kiện có sự tham gia đông đảo của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực, ngoại giao đoàn, đại diện Bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế... thể hiện sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như quyết tâm của các Bộ, ban, ngành và địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nói chung và thực phẩm Halal nói riêng, trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.

Thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

“Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và các chế phẩm từ nông nghiệp như Việt Nam” Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Hơn nữa, Việt Nam có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Thứ trưởng Thường trực cho rằng, lợi thế thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, là một thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.

Lợi thế thứ hai, đối với khu vực Trung Đông - Châu Phi (tập trung khoảng 30% dân số Hồi giáo), Việt Nam đang tích cực triển khai đề án phát triển quan hệ với các nước trong khu vực giai đoạn 2016-2025, trong đó có việc thực hiện các Tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác quan trọng về hợp tác, thúc đẩy xuất, nhập khẩu và chứng nhận các sản phẩm Halal.

Các đại biểu dự phiên Khai mạc Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ ba, sau 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, nằm ở giao điểm của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm Halal.

Tuy rất tiềm năng, nhưng Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal đến nay còn hạn chế.

Theo đánh giá của trung tâm Halal Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu một số sản phẩm Halal nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thống tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia hồi giáo.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trước làn sóng mới của Covid-19, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của bạn bè quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Thứ trưởng Thường trực mong muốn các đại biểu đánh giá thực chất tiềm năng của thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, không chỉ của các nước có đa số dân theo đạo Hồi, mà của cả các nước có ít dân số theo đạo Hồi ở châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á. Qua đó, xác định xu hướng mới và nhu cầu đối với các sản phẩm Halal, không chỉ giới hạn ở thực phẩm mà còn dược phẩm, mỹ phẩm và nhiều dịch vụ Halal khác như du lịch...

Diễn đàn cũng cần xác định rõ các quy định và tiêu chuẩn để có được chứng nhận Halal. Hiện trên thế giới chưa có quy định thống nhất chung về chứng nhận Halal và mỗi thị trường cũng có một số yêu cầu riêng. Theo đó, làm rõ khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi muốn chứng nhận Halal tại các thị trường châu Á như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ…, châu Âu, châu Mỹ; đồng thời nêu đề xuất đối với doanh nghiệp để có được chứng nhận Halal từ các tổ chức có uy tín, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường Halal tại các nước.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị các đại biểu trao đổi kinh nghiệm, chiến lược trong xây dựng ngành thực phẩm Halal ở các nước để từ đó đề xuất, khuyến nghị các biện pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất thực phẩm Halal trên phạm vi toàn cầu và kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sản phẩm Halal trên toàn cầu.

Thứ trưởng Thường trực khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ luôn sát cánh, đồng hành hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp trong nắm bắt các xu thế mới, tiếp cận thị trường, để góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển bao trùm và bền vững của Việt Nam trong giai đoạn chiến lược mới.

Cũng tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp nông lâm và thủy sản Việt Nam cũng nhận thức được nhu cầu nhập khẩu cao của các thị trường Hồi giáo trên thế giới mang lại rất nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại phiên Khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Việc tìm hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng và tập quán kinh doanh là những yêu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước Hồi giáo.

Những kinh nghiệm trong việc áp dụng tiêu chuẩn Halal cho doanh nghiệp Việt Nam và những kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề quản lý thẩm định cấp chứng chỉ Halal trong thời gian qua cho thấy rằng cần phải hoàn thiện lĩnh vực này một cách hệ thống và theo chuỗi để nâng cao hình ảnh chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệm ngặt mà thị trường Hồi giáo yêu cầu.

Hàng năm mức tiêu dùng thực phẩm lên tới hơn 600 tỷ USD là những con số ấn tượng đối với bất kỳ một ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm trên thế giới.

Trong số các nước Hồi giáo, khu vực Trung Đông với điều kiện tự nhiên, thời tiết, đất đai thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước do vậy hầu hết các nước Trung Đông phải nhập khẩu số lượng rất lớn mặt hàng lương thực, thực phẩm. Nhập khẩu 80% hàng hóa lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD mỗi năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD đối với khu vực Trung Đông).

Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của khu vực khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu cao của Việt Nam, thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp từ 0-5%.

Vì vậy, Thứ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng rằng, thông qua Diễn đàn này, các bên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về những nhu cầu và điều kiện xuất khẩu hàng nông, lâm và thủy sản Việt Nam vào các thị trường Hồi giáo và hướng tới việc xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường tiềm năng này để từ đó các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đề ra những nghiên cứu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng của các nước; Xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường.

Toàn cảnh phiên Khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khai-mac-dien-dan-nham-khai-thong-thi-truong-thuc-pham-halal-1400-ty-usd-130329.html