Khai mạc chương trình 'Tiếng tơ' chào mừng Ngày di sản Việt Nam

Người dân phố cổ và du khách sẽ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật gắn với tơ lụa truyền thống của người Việt.

Tối 22/11/2019, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý Phố cổ tổ chức khai mạc chương trình "Tiếng tơ" chào mừng Ngày di sản Việt Nam nhằm bảo tồn các giá trị di sản, đặc biệt, quảng bá giá trị nghề truyền thống, tôn vinh nghệ nhân, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Năm 2005 Chính phủ đã quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Nhân ngày lễ truyền thống này, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng mang chủ đề “Tiếng tơ” tại nhiều điểm di tích do Ban quản lý nhằm giới thiệu và tôn vinh nghề truyền thống, tôn vinh nghệ nhân và giới thiệu các kỹ thuật mới của nghề tơ lụa truyền thống.

Giới thiệu một số công đoạn làm tơ.

Chương trình “Tiếng tơ” là một chuỗi các hoạt động văn hóa đa dạng, ý nghĩa, bao gồm các hoạt động trưng bày giới thiệu một số công đoạn làm tơ của nghệ nhân Phạm Thị Thuận, người duy nhất "điều khiển" con tằm thành "thợ dệt" và bà cũng là người duy nhất thành công trong việc "bắt" sen nhả tơ; Trình diễn thời trang “Tiếng tơ” của nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy – Thương hiệu Trịnh Fashion, nhà thiết kế La Hằng – Thương hiệu Áo dài La Hằng, nhà thiết kế Thùy Anh – Thương hiệu TAF; Tọa đàm “Câu chuyện tiếng tơ” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và các nhà thiết kế; Biểu diễn âm nhạc nghệ thuật “Chuyện nhạc Tiếng tơ” của nhóm Đông Kinh cổ nhạc...

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người duy nhất có thể điều khiển con tằm thành “thợ dệt” và bà cũng là người duy nhất thành công trong việc “bắt” sen nhả tơ.

Với chương trình "Tiếng tơ", người dân phố cổ và du khách sẽ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật gắn với tơ lụa truyền thống của người Việt. Du khách sẽ hiểu hơn về các kỹ thuật mới của nghề dệt truyền thống thông qua các mô hình nhà quấn sợi tơ, các công đoạn, quy trình ươm, dệt lụa tơ tằm và tơ sen, khung cửi dệt tơ tằm cổ của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận.

Người dân phố cổ và du khách sẽ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật gắn với tơ lụa truyền thống của người Việt.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết, tất cả các hoạt động nói trên đều nhằm mục đích bảo tồn các giá trị di sản, quảng bá giá trị nghề truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công; Thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; Đồng thời tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Chuỗi hoạt động văn hóa “Tiếng Tơ” diễn ra đến ngày 15/12./.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/khai-mac-chuong-trinh-tieng-to-chao-mung-ngay-di-san-viet-nam-981683.vov