Khai khống ăn tiền đền bù dự án thủy điện Sơn La

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La cho biết những sai phạm trong công tác đền bù, di dân tái định cư của dự án thủy điện Sơn La gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Ngày 21-11, thượng tá Lù Văn Lịch, Trưởng Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, cho biết đang điều tra vụ sai phạm trong công tác đền bù, di dân tái định cư trong dự án thủy điện Sơn La của hàng loạt cán bộ lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ huyện Mường La.

Khởi tố, bắt tạm giam 15 người

Thượng tá Lù Văn Lịch nhận định đây là vụ án phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng nên ban giám đốc Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra khẩn trương làm rõ. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với VKSND và các cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam 15 bị can; khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú 2 bị can. Trong số người bị khởi tố có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc sở tại tỉnh Sơn La.

Công an tỉnh Sơn La khám xét nhà ông Đèo Văn Ban

Công an tỉnh Sơn La khám xét nhà ông Đèo Văn Ban

Theo thượng tá Lịch, hành vi của các đối tượng được xác định là tác nhân gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án. Từ khâu ban hành chính sách, tổ chức chỉ đạo cho đến đo đạc..., các cán bộ này đã "biên tập và số hóa" các diện tích đất, loại đất dẫn đến sai phạm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đã có tới 62 quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất chi tiết, 46 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do UBND huyện Mường La ban hành sai quy định. Cùng với đó là 16 bản đồ không được thẩm định được ký xác nhận bởi Sở Tài nguyên và Môi trường.

600 hộ khai khống đất

Trong số các bị can bị bắt giam có ông Đèo Văn Ban (61 tuổi), nguyên cán bộ UBND huyện Mường La, Bí thư chi bộ bản Co Chai (xã Mường Chùm, huyện Mường La), đã thông đồng với các bị can khác khai khống diện tích đất của gia đình tăng gấp nhiều lần so với thực tế để được đền bù sai, chiếm đoạt tiền của nhà nước. Tất cả các khâu từ đo đạc, lập bản đồ, thẩm định thu hồi, bồi thường và hỗ trợ đều được hợp thức hóa. Cụ thể, diện tích đất nhà ông Ban khoảng 5 ha, tại thời điểm năm 2014 nhiều phần đất đã bị ngập nước không thể đo đạc nhưng vẫn được lập hồ sơ đo đạc và nâng khống lên hơn 17 ha để nhận tiền đền bù.

Đáng chú ý, bị can Đèo Văn Ban trước đó đã nhiều lần gửi đơn thư khiếu kiện đòi chế độ bồi thường, hỗ trợ không có căn cứ. Các khiếu kiện này đã được Chính phủ, tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại, giải thích, giải quyết nhiều lần. Mặc dù vậy, ông Ban vẫn liên tục gửi đơn thư khiếu nại gây mất an ninh trật tự địa phương.

Cùng với hành vi trên, mặc dù thực tế diện tích đất của một số hộ dân là đất ngập nước không thể đo đạc nhưng trên hồ sơ chi trả đền bù bổ sung vẫn đầy đủ bản vẽ. Các bị can đã dùng cách này để lập khống, làm tăng diện tích đất lên nhiều lần để rút ruột tiền ngân sách nhà nước. Theo thông tin ban đầu, địa bàn huyện Mường La có tới hơn 600 hộ dân trong tình trạng hồ sơ đất đai được lập khống. Trong đó có hộ tăng khống diện tích đất, hộ không đúng loại đất so với thực tế như đất rừng phòng hộ được "biến" thành đất rừng sản xuất để nhận tiền bồi thường cao hơn.

Cán bộ thương dân chứ không đút túi?

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ việc nêu trên, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La, cho biết việc khởi tố những cán bộ nêu trên không phải do "anh em làm không tốt mà anh em làm có lợi cho dân!".

Bà Xuân cho dẫn chứng: "Một số hồ sơ giải quyết việc bồi thường, đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ nhưng anh em vì thương dân nên vẫn hoàn thiện sớm hồ sơ giúp dân nên người dân được lợi. Do vậy nên đến nay cán bộ giải quyết phải chịu trách nhiệm chứ họ không tư túi gì, không đút một xu nào vào túi cá nhân". Bà Xuân khẳng định sai phạm của các cán bộ chỉ là về quy trình, thủ tục chưa đúng, chưa đủ, không liên quan gì đến tiền nong (!).

Bài và ảnh: Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khai-khong-an-tien-den-bu-du-an-thuy-dien-son-la-20171121212938335.htm