Khai hội Lồng tồng Ba Bể năm 2018

Ngày 25/2, tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, UBND huyện Ba Bể phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn khai mạc Lễ hội Lồng tồng Ba Bể năm 2018.

Nam thanh, nữ tú các dân tộc huyện Ba Bể dâng lễ vật khai hội. Ảnh: TH

Nam thanh, nữ tú các dân tộc huyện Ba Bể dâng lễ vật khai hội. Ảnh: TH

Đến dự có ông Nguyễn Văn Du - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Ba Bể và một số sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Kạn... cùng hàng vạn đồng bào các dân tộc và du khách.

Ông Nguyễn Văn Du - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn tại trại xuân xã quê hương. Ảnh: TH

Hằng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, ở khắp các bản làng của tộc người Tày, Nùng ở các tỉnh phía Bắc lại nô nức chờ đón những ngày hội rộn ràng của Lễ hội Lồng tồng (lồng thồng, Lùng tùng…), hay còn gọi là Oóc tồng, nghĩa là xuống đồng.

Đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới; trong lễ hội còn có lễ tạ Thành Hoàng, Thần Nông, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc…

Lễ hội Lồng tồng là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian mang bản sắc văn hóa tộc người Tày, Nùng ở các bản làng địa phương rất độc đáo.

Sau một năm lao động vất vả, lễ hội mở ra mang lại những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau, đồng thời cũng là dịp giao lưu tình cảm giữa các cô gái, chàng trai bằng những lời hát then sli, lượn…

Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể còn gọi là hội Hồ được tổ chức trước đó, tại bãi Bó Lù rộng lớn bên hồ Ba Bể.

Năm nay tiết trời ấm áp, khô ráo, ngay từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao từ các địa phương hai huyện Ba Bể, Chợ Đồn, một số vùng lân cận thuộc tỉnh Tuyên Quang với những trang phục đặc trưng của dân tộc mình, từ các ngả đường nườm nượp đổ về bãi Bó Lù để hòa mình vào không gian lễ hội rộng lớn.

Đến với lễ hội này, ai cũng có thể tham dự các trò chơi dân gian mang tính cộng đồng, như bịt mắt bắt dê, kéo co, tung còn... lắng nghe các nghệ nhân, người dân địa phương biểu diễn các tiết mục văn nghệ mộc mạc, chân thật như chính con người nơi đây. Người dân địa phương chọn những con bò, dê khỏe mang đến hội để thi chọi, thể hiện tinh thần thượng võ, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Thi chọi xong, bà con lại dắt bò, dê về nhà chăm sóc.

Các trò chơi dân gian tưng bừng, rộn rã tại Lễ hội Lồng tồng Ba Bể. Ảnh: TH

Từ năm 2014, Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Mở đầu là màn rước cỗ, dâng lễ của 16 xã, thị trấn huyện Ba Bể. 16 mâm lễ dâng lên các vị thần sông, thần núi, thần hồ để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở, nhà nhà no ấm, yên vui. Phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc...

Phát biểu khai mạc Lễ hội Lồng tồng Ba Bể, ông Dương Văn Tuyến - Bí thư Huyện ủy Ba Bể nhấn mạnh: Lễ hội Lồng tồng Ba Bể là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Ba Bể nói riêng. Đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn đối với địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích giá trị của di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu và quảng bá du lịch Hồ Ba Bể, Di sản Phi vật thể cấp quốc gia đến với du khách.

Các cháu thiếu nhi đến chơi Hội và tham gia thi vẽ tranh bảo vệ môi trường. Ảnh: TH

Đến với Lễ hội Lồng tồng Ba Bể du khách còn được trải nghiệm khu du lịch Ba Bể như: Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể, Làng Văn hóa Pác Ngòi, Bó Lù, Hồ Ba Bể, Đền An Mã, Động Hua Mạ, Chùa Phố Cũ…

Du khách không chỉ được tham quan các cảnh quan tươi đẹp của thiên nhiên, tận mắt được chứng kiến, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, trò chơi truyền thống của các dân tộc.

Tại đây, du khách còn được thưởng thức bánh trời, bánh phồng, cơm lam, khẩu sli… hoặc mua sắm những kỷ vật được tạo thành từ đôi tay khéo léo của bà con dân tộc bản địa, để hiểu hơn về đời sống và văn hóa truyền thống của người dân sống trong vùng hồ Ba Bể.

Người dân địa phương tin rằng, có dịp đến với Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể sẽ mang lại may mắn cho bản thân và gia đình. Vì thế, nhiều năm qua, tham dự lễ hội Lồng Tồng hồ Ba Bể - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành nhu cầu của đông đảo đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao.

Trung Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/su-kien/khai-hoi-long-tong-ba-be-nam-2018_t114c1152n130893