Khai hoang vùng đất phèn, nhận được đắng cay và nước mắt

Năm 2012, Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam. Để có thành quả này, mấy mươi năm trước, hàng trăm con người đã không quản nắng mưa, ngày đêm lội sình lầy trồng rừng.

Để rồi hôm nay, thành quả họ nhận được là cái kết quá “đắng”, khiến không ít gia đình ly tán, tha phương, thậm chí có những người dính vòng lao lý.

Từ nhiều năm nay, gần 100 hộ dân ở ấp K12, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông vẫn kêu cứu trong vô vọng về việc công sức bao năm của họ được trả bằng cái giá quá rẻ mạt. Trong ánh mắt, trong lời nói của những người nông dân lam lũ ấy, niềm tin đã tắt.

Những hoàn cảnh đáng thương

Đi dọc tỉnh lộ 843, đường vành đai VQG Tràm Chim, từ thị trấn Tam Nông về xã Phú Hiệp, phần lớn chỉ thấy nhà nhỏ, nhà tạm, nhà chòi... của dân, những người bao năm nay sống nhờ cây tràm, hạt lúa và con tôm, con cá. Trong số đó, có hàng chục hộ dân đã dành rất nhiều năm tháng, tiền bạc để “lo” cho cái VQG được đẹp như hôm nay.

VQG Tràm Chim nhìn từ tỉnh lộ 843

Ông Lê Văn Duông, sinh năm 1958, một bệnh binh ở ấp K12, xã Phú Hiệp nằm sát tỉnh lộ 843, thuộc vùng đệm của VQG Tràm Chim, là một trong những người trắng tay, lâm cảnh khó khăn sau khi toàn bộ 2ha lúa và hơn 8ha rừng tràm bị thu hồi.

Ông Duông cho biết: “Ngày xưa lúc chưa bị thu hồi đất ruộng, rừng, vợ chồng tôi và 2 đứa con cũng đủ sống, không bị đói. Sau khi bị thu hồi trắng, vợ tôi phải lên Đồng Nai làm thuê, bản thân tôi sau khi đi bộ đội về, bị đủ thứ bệnh, không làm được gì. Họ thu hồi hết 8,2ha rừng tràm của tôi, bồi thường, hỗ trợ có 5ha, được 25 triệu đồng. Lẽ ra tôi không nhận đâu nhưng vì hoàn cảnh khó khăn quá, tôi thì bệnh tật, không làm được gì nên đành nhận”.

Hiện nay, con trai lớn của ông Duông đã lập gia đình, hoàn cảnh cũng khó khăn, còn một cháu thứ 2 mới 5 tuổi, đang học mẫu giáo, 2 cha con ông sống nhờ tình thương của bà con lối xóm và bà ngoại.

Những ngôi nhà ở ấp K12, Phú Hiệp, Tam Nông, Đồng Tháp (Trong ảnh là bệnh binh Lê Văn Duông)

Một hoàn cảnh đáng thương khác là ông Phan Văn Xinh, năm nay vừa tròn 80 tuổi, từng nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, nhưng cuối đời, ông lâm cảnh khốn khó khi người con trai duy nhất của ông bà chẳng may qua đời vì bạo bệnh, toàn bộ gần 16ha đất rừng trong VQG (trong đó có gần 6,4ha đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) bị thu hồi. Hiện nay, vợ chồng ông sống dựa vào thu nhập bấp bênh từ làm thuê của người con dâu.

Bà Giang Thị Thu, năm nay đã 69 tuổi, than thở: “Tôi có gần 2ha đất lúa và hơn 1ha tràm trồng từ năm 2000, chưa thu được gì. Trước giờ chỉ trông vào ruộng lúa, dù không giàu nhưng vẫn dư ăn, còn có bán. Từ ngày bị thu hồi, tôi lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Bây giờ tôi không còn sức lao động, phải về thị trấn Tràm Chim sống nhờ tụi nhỏ, mà tụi nó cũng chẳng khá giả gì. Cái giá bồi thường rừng tràm họ đưa ra quá rẻ mạt nên vẫn đang khiếu nại chứ nhất quyết không chịu nhận”.

Ông Nguyễn Hữu Hiền ở sát nhà ông Duông kể: “Từ ngày bị thu hồi hết rừng, ruộng, người dân chúng tôi không được vào VQG canh tác như xưa nữa. Ngay cả giăng lưới bắt vài con cá về cải thiện bữa ăn còn khó. Chú đi một vòng quanh ấp thì thấy, nhiều nhà khóa cửa để hoang lắm. Vì họ phải đi làm thuê kiếm sống, chứ ở đây lấy gì ăn? Những hoàn cảnh như ông Duông, ông Xinh, bà Lê Thị Ảnh, Cao Thị Bảnh đều là các gia đình chính sách, còn nông dân rặt thì đếm không hết ”.

Giá 35 triệu, bồi thường... 500 ngàn

Nói về chuyện bức xúc của người dân, ông Hiền bảo: Ở đây xưa là vùng căn cứ cách mạng, chúng tôi cũng toàn là cán bộ hưu trí, không muốn gây phiền phức làm gì. Nhưng ấm ức lắm, họ coi quá rẻ công sức mà chúng tôi bỏ ra. Ngày xưa ở đây làm gì có rừng, toàn cỏ lác, đất phèn, chúng tôi là những người tiên phong đi khai hoang theo kêu gọi của Nhà nước, toàn bộ diện tích rừng tràm khi trồng đều có giấy tờ cho phép của xã, chứ có lấn chiếm trái phép đâu? Bây giờ giá một công tràm ngoài thị trường từ 30 - 35 triệu đồng, nếu mua lẻ cừ nhất (cừ loại 1) giá từ 40 - 45 ngàn đồng. Vậy mà một công tràm (bình quân 1.000 cây/công), họ trả có 500 ngàn đồng. Còn đất lúa thì trả 15 giạ lúa (khoảng 400 kg/giạ). Đã vậy, họ chỉ bồi thường tối đa 5ha rừng và 3ha lúa, có diện tích lớn hơn cũng không chịu.

Đây đều là những cán bộ hưu trí, từng công tác trong các cơ quan chính quyền địa phương, đồng thời vẫn dành thời gian, công sức trong công cuộc trồng rừng

Ông Lê Văn Thôi, năm nay 75 tuổi, từng trải qua các cương vị, Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy Tam Nông, sau đó là Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho đến khi về hưu năm 2000, người được coi là tiên phong trong công cuộc khởi tạo VQG Tràm Chim, nhớ lại: “Đầu thập niên 1980, đất ruộng vùng này toàn bộ bị nhiễm phèn nặng, người dân cũng trồng lúa nhưng chỉ trồng một vụ, nhưng ít có ăn, nhiều vụ không có ăn, vì lúa chết. Chỉ có cỏ năng, cỏ lác là phát triển mạnh. Tôi vốn sinh ra ở vùng đất này nên biết rất rõ về thổ nhưỡng, về việc nên làm gì để cải thiện đời sống bà con. Khi đó, với vai trò là Chủ tịch huyện, sau nhiều cuộc họp bàn với tỉnh, tôi đề nghị tỉnh cho thành lập Nông lâm - Ngư trường Chàm Chim. Sau khi thành lập được vài năm thì sếu, cò bắt đầu về, và đổi tên thành Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Chàm Chim.

Ông Lê Văn Thôi, người tiên phong trong công cuộc khai mở VQG Tràm Chim

Việc trồng tràm ban đầu hầu hết là cán bộ, từ huyện đến xã, ấp, theo phát động, động viên của lãnh đạo tỉnh, huyện. Sau này dân mới tham gia. Thời đó, đi lại khó khăn, phương tiện chính đi lại là ghe, xuồng, mà chống đẩy thôi chứ cũng chẳng có ghe máy đâu. Đường sá cũng chỉ có đường đất... khó khăn trăm bề. Mỗi lần tổ chức đi trồng rừng là đùm núm theo đủ thứ, từ mắm muối, quần áo đến nước ngọt, vất vả lắm. Vậy mà cuối cùng cũng biến được vùng đất phèn, hoang hóa mênh mông thành khu rừng như hôm nay”.

“Vậy hồi đó chú trồng được bao nhiêu diện tích tràm?”, tôi hỏi. “Tôi xin lãnh đạo huyện khi đó là ông Ba Lê Hiếu hỗ trợ tiền dầu máy cày, cây giống, tôi đăng ký trồng 1.000ha, nhưng cuối cùng làm được có 800ha. Hiện vườn tràm đó nằm ở khu A2 của VQG”, ông Thôi cho hay.

"Hồi đó, lúc thu hồi rừng, thành lập VQG, tôi có đề xuất với tỉnh 2 phương án, một là cho người dân khai thác, xong giao đất lại cho Nhà nước, hoặc nếu cây tràm còn nhỏ, chưa thu hoạch được thì mình mua lại theo giá thị trường. Hồi đó nếu bồi thường tiền cho dân thì cũng chẳng bao nhiêu đâu, vì cây tràm mới trồng vài năm, vốn ít, công chăm sóc cũng chưa nhiều.

Cách thứ 2 là hợp đồng với dân, để họ chăm sóc, bảo vệ, khi nào cây lớn thu hoạch được thì họ hưởng, sau đó giao trả đất. Nhưng tỉnh cho rằng đất người dân bao chiếm nên không đồng ý phương án nào. Đất phèn, bỏ hoang hóa không, Nhà nước có làm gì đâu. Đúng ra, ngoài việc mua lại cây cho dân theo giá hợp lý, còn phải hỗ trợ thêm cho họ nữa. Vì tôi biết rõ, thời đó làm cực khổ thế nào”, ông Lê Văn Thôi, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp.

PHÚC LẬP

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/khai-hoang-vung-dat-phen-nhan-duoc-dang-cay-va-nuoc-mat-post206456.html