Khai giảng năm học mới: Ngắn gọn phần 'lễ', vui tươi phần 'hội'

Hướng đến học sinh là tinh thần chung của các nhà trường khi chuẩn bị lễ khai giảng - thời khắc đặc biệt với thầy trò cả nước khi bước vào năm học mới 2018 - 2019. Điểm chung của các nhà trường khi chuẩn bị cho khai giảng sẽ đồng loạt diễn ra vào ngày 5/9 là phần 'lễ' ngắn gọn nhưng trang nghiêm, phần 'hội' vui tươi, tạo tâm thế hào hứng bước vào năm học mới.

Ngày khai giảng cần mang đến đầy đủ ý nghĩa tưng bừng của năm học mới. Trong ảnh: Ngày khai giảng tại Trường TH Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm học 2017 - 2018

Ngày khai giảng cần mang đến đầy đủ ý nghĩa tưng bừng của năm học mới. Trong ảnh: Ngày khai giảng tại Trường TH Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm học 2017 - 2018

Vì lễ khai giảng ý nghĩa cho trò, thầy cô không quản khó

Là một trường vùng cao, thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, để có được khuôn viên trường ngăn nắp trước ngày khai giảng năm học mới, các thầy cô giáo Trường Tiểu học - THCS Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái) phải đến trường từ đầu tháng 8.

Cô Phó Hiệu trưởng Hoàng Thị Thuận cho biết: Năm học này, nhà trường có 640 học sinh cả 2 cấp, trong đó 190 em ở bán trú. Số phòng học kiên cố còn ít và điều kiện cơ sở vật chất thì vô cùng khó khăn; sân trường vẫn nửa đất, nửa xi măng và ngăn trường với xung quanh vẫn bằng hàng rào tạm. Cơ sở vật chất như vậy nên sau tháng hè là phòng học ẩm thấp, cây cỏ mục um tùm.

“Gần như trọn tháng 8, chúng tôi phân công nhau đến trường dọn dẹp, phát cỏ, kê lại và lau chùi bàn ghế, cắt tỉa hàng rào tạm, chằng buộc cây gẫy đổ, sửa lại vách, chăng lại đường điện, kiểm tra lại nơi ở bán trú của học sinh… Đó là việc thường xuyên năm nào cũng vậy, chưa kể việc đến từng bản vận động học sinh tới trường. Nhưng năm nay, thầy cô vất vả hơn vì mưa lũ làm vỡ đường ống dẫn nước cho học sinh và cả bể chứa nước ở đầu nguồn; các lớp học tạm phải chuyển chỗ để lấy mặt bằng xây thêm 6 phòng học…” - cô Hoàng Thị Thuận chia sẻ.

Học sinh Trường THCS &THPT Ban Mai (Hà Nội) trước năm học mới 2018 - 2019

Vất vả như vậy, nhưng động lực giúp các thầy cô vượt mấy tiếng đường núi đến trường là ngày khai giảng sẽ được đón học trò trong ngôi trường sạch sẽ và khang trang hơn. Đến thời điểm này, đã có khoảng mấy chục học sinh bán trú đến trường. Vì dịp khai giảng cũng là mùa mưa nên ít khi lễ khai giảng tại Trường Sùng Đô có đủ tất cả học sinh vì đường đến trường rất khó khăn. “Nhưng dù nhiều hay ít, chúng tôi cũng cố gắng để các học trò có lễ khai giảng đáng nhớ nhất. Ngày khai giảng với chúng tôi còn là dịp để gắn kết với chính quyền địa phương. Nếu không được sự hỗ trợ của các trưởng bản, việc huy động học sinh đến trường sẽ khó khăn hơn nhiều” - cô Hoàng Thị Thuận nói.

Tại các địa bàn thuận lợi, không khí chuẩn bị cho năm học mới đang rất rộn ràng, náo nức. Thầy Nguyễn Khánh Chung - Hiệu trưởng Trường THCS &THPT Ban Mai (Hà Nội) - cho biết thầy và trò nhà trường đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa chủ đề năm học “Tôn trọng để hạnh phúc”, biến chủ đề năm học thành những việc làm cụ thể, thiết thực, ý nghĩa, đem đến cho các con học sinh một năm học đầy trải nghiệm thực tế.

“Năm nay, nhà trường sẽ tổ chức khai giảng theo đúng công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, đồng thời dựa trên tinh thần chủ đề năm học của Hệ thống giáo dục Ban Mai “Tôn trọng để hạnh phúc” - hướng tới mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm trong mọi hoạt động học tập và sự kiện.

Điểm nhấn đặc biệt trong lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 của Trường Ban Mai sẽ do học sinh tự điều phối và chuẩn bị ở tất cả cả khâu: Dẫn chương trình, viết kịch bản, biên đạo các tiết mục văn nghệ, đào tạo đội nghi thức... để ngày khai giảng thực sự là một ngày vui, ý nghĩa và hạnh phúc của tất cả thầy cô và học sinh” - Thầy Nguyễn Khánh Chung cho hay.

Không quá kéo dài, tránh phô trương, hình thức

Thời điểm này, các nhà trường, địa phương trên cả nước đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học mới đầy ý nghĩa. Trường lớp được vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng; các phương án chuẩn bị khai giảng, kể cả khi thời tiết không thuận lợi được lên kế hoạch.

Văn bản chỉ đạo của tất cả các Sở GD&ĐT về hoạt động này đã sớm về đến cơ sở và được triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo, trên tinh thần chung: Lễ khai giảng gồm phần “lễ” và phần “hội”; phần “lễ” ngắn gọn và trang nghiệm; phần “hội” vui tươi với các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, nhằm tạo tâm lý thoải mái, phấn khởi, thân thiện giữa thầy và trò, đặc biệt đối với học sinh các lớp đầu cấp, tránh hình thức, phô trương, lãnh phí. Với mầm non, khai giảng sẽ được tổ chức linh hoạt, sáng tạo dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé”.

Tại Hà Tĩnh, Sở GD&ĐT yêu cầu rõ lễ khai giảng tổ chức không sơ sài, đại khái, song cũng không phô trương, hình thức, lãng phí; thời gian không kéo dài và phải dự phòng tình huống thời tiết xấu. Việc lưu ý phần “lễ” không kéo quá dài cũng là nội dung được nhiều Sở GD&ĐT nhắc nhở các đơn vị khi tổ chức khai giảng.

Đơn cử, Sở GD&ĐT Sóc Trăng quy định thời gian phần “lễ” không không kéo dài quá 60 phút. Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu phần “lễ” không quá 40 phút và không để học sinh, nhất là học sinh mầm non, tiểu học ngồi nắng quá lâu hoặc dưới trời mưa. Đối với giáo dục mầm non, thời gian tổ chức không quá 60 phút... Sở GD&ĐT Gia Lai quy định cụ thể hơn với phần “lễ” không kéo dài quá 60 phút, trong đó diễn văn khai giảng ngắn gọn - tối đa 15 phút. Phú Thọ, lễ khai giảng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút, kết thúc vào 9 giờ 30 phút. Sở GD&ĐT TPHCM thì lưu ý chỉ mời lãnh đạo các cấp đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường tại buổi lễ...

Một số Sở GD&ĐT hướng dẫn chi tiết, khi lồng ghép một số sự kiện khác trong lễ khai giảng, như đón nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng, kỷ niệm ngày thành lập trường... thì việc kết hợp nội dung vào phần “lễ” cần hài hòa, linh hoạt. Sau ngày khai giảng, thầy trò cả nước sẽ thực hiện các hoạt động dạy và học theo đúng kế hoạch thời gian năm học do địa phương quy định.

Trước khai giảng gần 1 tháng, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản cho Giám đốc các Sở GD&ĐT lưu ý triển khai một số hoạt động đầu năm học. Riêng về lễ khai giảng, Bộ GD&ĐT yêu cầu chương trình khai giảng phải ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi để tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khai-giang-nam-hoc-moi-ngan-gon-phan-le-vui-tuoi-phan-hoi-3947831-b.html