Khai giảng năm học 2019-2020: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhớ giữ lời hứa!

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã hứa với các em học sinh tiểu học Sơn Hà (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xem xét mong ước 'Khai giảng rồi mới đi học', vậy ông Phùng Xuân Nhạ nhớ giữ lời ở mùa khai giảng năm học mới 2020-2021?

Trong buổi trò chuyện với học sinh lớp 1 Trường tiểu học Sơn Hà (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) ngày 28/8 vừa qua, khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi: “Các con muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như thế này?” thì các em học sinh lớp 1 trả lời: “Con muốn khai giảng rồi mới đi học”...

Ông Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh Trường tiểu học Sơn Hà, H.Quan Sơn, Thanh Hóa

Ông Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh Trường tiểu học Sơn Hà, H.Quan Sơn, Thanh Hóa

Mong ước "Khai giảng rồi mới đi học...”

Ghi nhận của Kiến Thức tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay, nhất là Thủ đô Hà Nội, vẫn diễn ra tình trạng các em học sinh "đi học trước, khai giảng sau". Cụ thể, nhiều trường ngay từ 1/8 mỗi năm đã triệu tập học sinh tới lớp dưới hình thức "phụ huynh học sinh viết cam kết cho con đi học thêm"; hoặc chậm nhất 15/8 tựu trường, thì cũng thời gian đó bắt đầu tổ chức học.

Mặc dù nhiều Sở giáo dục các tỉnh thành nghiêm cấm các trường tổ chức dạy trước chương trình của năm học 2019-2020, các trường đều “chấp hành nghiêm chỉnh” không dạy trước chương trình qui định của Bộ Giáo dục, mà thay vào đó thời gian tựu trường sớm này dành để ôn tập, củng cố kiến thức hoặc để luyện thi, kiểm tra khảo sát để xếp lớp đối với các lớp tuyển sinh đầu cấp…

Ngoài ra, các Sở giáo dục cũng “linh hoạt” cho phép các trường lập kế hoạch ôn tập văn hóa, giảng dạy bồi dưỡng cho các đối tượng học sinh yếu, kém có nhu cầu được phụ đạo, với thời gian bắt đầu triển khai ôn tập văn hóa và phụ đạo học sinh yếu kém, dạy thêm học thêm thường được tổ chức sau ngày 1/8. Có lẽ nhờ sự “linh hoạt” này mà gần như 100% học sinh đã tựu trường từ 1/8, hoặc chậm nhất là 15/8?

Vấn đề đặt ra là: không phải tới khi các em học sinh lớp 1 Trường tiểu học Sơn Hà (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ nguyện vọng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc gặp mặt ngày 28/8, mà chính phụ huynh học sinh cũng mong muốn "trẻ con nên được nghỉ hè thực sự trọn vẹn, được giải phóng khỏi việc đèn sách đúng nghĩa với “nghỉ hè”?

Trao đổi với Kiến Thức, chị Hồ Thị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cảm giác thời gian nghỉ hè qua quá nhanh, lâu rồi không còn khái niệm 3 tháng hè nữa. Tâm lý nhiều bậc phụ huynh cũng không sắp xếp được thời gian trông con nên chỉ mong trường mau thông báo tựu trường để tống con đến lớp. Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng muốn thế, nhiều người vẫn sắp xếp được để dành cho con thời gian khám phá mùa hè sôi động và bổ ích. Nhưng khi trường đã thông báo đi học, dù là dưới hình thức nào – học hè, tự nguyện cho con tham gia lớp bồi dưỡng, ôn tập,…- cha mẹ cũng khó có lý do không cho con tham gia. Và như thế việc trẻ cứ đi học chán chê cả tháng rồi mới khai giảng khiến cho ngày khai giảng mất đi ý nghĩa của sự khởi đầu cho năm học mới . Phụ huynh, học sinh và cả thầy cô giáo chắc sẽ không còn cảm thấy sự thiêng liêng của tiếng trống khai trường đầu năm nữa…”

Bé Nguyễn Anh Minh (8 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) khi được hỏi có thích nghỉ hè đến ngày khai giảng 5/9 mới đi học cũng cho biết: “Thế thì quá thích ạ. Cháu muốn có nhiều thời gian đi học bơi, và chơi với các bạn ở câu lạc bộ hè. Cháu muốn khai giảng xong mới phải đi học để cho mùa hè được lâu”…

Đã hứa xem xét... Bộ trưởng GD-ĐT giữ lời mùa khai giảng 2020-2021 nhé!

Trước lời hứa của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ xem xét tính toán để thực hiện được mong muốn này của các em học sinh trong thời gian tới, nhiều phụ huynh cho rằng chỉ cần Bộ trưởng nói một tiếng thì việc này có khó gì mà không thực hiện được ngay từ năm học sau.

Phụ huynh Nguyễn Minh Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Nếu tính theo chương trình hiện nay học sinh học 35 tuần, năm học kết thúc vào tháng 5, nhưng vì cứ học sớm, học trước khai giảng cả tháng nên có khi cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã thi xong rồi. Thế là đến 3 tuần cuối tháng 5 học sinh đến trường chỉ để ôn tập với vui chơi. Vậy thì tại sao không trả thời gian này về đầu năm học để khai giảng và tựu trường cho đúng thời điểm?”.

Em Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 8 tại Hà Nội, cho rằng: “Việc tựu trường sớm, học trước khai giảng sau khiến cho ý nghĩa của khai giảng chỉ còn là hình thức. Năm nào cũng thế, đến đầu tháng 9 là bố mẹ cháu cứ hay nhắc chuyện sắp khai giảng, cháu thấy chả có gì quan trọng, khai giảng hay không thì cháu cũng đi học rồi, đã vào năm học từ lâu rồi. Cháu nghĩ nếu có thay đổi để làm sao ngày khai giảng chính là ngày đầu tiên đi học của năm học mới thì mới thực sự có ý nghĩa”.

Đồng quan điểm, phụ huynh Trần Hòa Bình (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghe nói Đà Nẵng đã làm được, đã xóa bỏ việc học trước khai giảng sau. Chắc chắn nhiều nơi sẽ làm đươc việc này, chỉ cần Bộ trưởng Nhạ phát lệnh. Có khó gì đâu việc lùi dần thời gian tựu trường về sau, để năm học kết thúc vào cuối tháng 5 như thời chúng ta còn đi học khi xưa”.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ “nổi tiếng” là người thích hứa, nhưng ông cũng nổi không kém nhờ khả năng “hứa để đấy”, hoặc “hứa xong rồi khất vì khó quá”…

Tuy nhiên, lần này lời hứa của Bộ trưởng Nhạ là đối với các cháu học sinh lớp 1, mà đã hứa với trẻ con thì chắc chắn khó có thể “quên”. Là một nhà giáo dục, chắc chắn ông Phùng Xuân Nhạ hiểu tâm lý đó ở trẻ.

Hy vọng lần này ông nói được làm được.

Hy vọng rằng lần này, lời hứa với trẻ con sẽ được ông coi trọng hơn và không làm học sinh, phụ huynh thất vọng…

An Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/khai-giang-nam-hoc-2019-2020-bo-truong-phung-xuan-nha-nho-giu-loi-hua-1272386.html