Khai giảng khóa Bồi dưỡng kỹ năng biên phiên dịch cho cán bộ, công chức ngoại vụ địa phương

Chiều ngày 11/6, tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), Bộ Ngoại giao đã khai giảng khóa học 'Bồi dưỡng Kỹ năng Biên-Phiên dịch các ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung Quốc, Lào và Khmer dành cho công chức, cán bộ các tỉnh, thành trong cả nước'.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại Lễ khai giảng khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu)

Tham dự Lễ khai giảng có TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao), ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên - Phiên dịch Quốc gia (Bộ Ngoại giao), đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng và Báo Thế giới & Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao, các thầy cô giáo và toàn thể 85 học viên là cán bộ, công chức công tác tại các sở Ngoại vụ và các đơn vị có nhiệm vụ đối ngoại thuộc 15 tỉnh thành trong cả nước. Khóa học dự kiến kéo dài từ ngày 11/6 đến 5/7/2019.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Ngoại vụ khẳng định các học viên đều là những hạt nhân trong công tác đối ngoại tại các địa phương, trong khi đó, công tác đối ngoại tại các địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: Yếu tố quyết định dẫn đến thành công trong công tác đối ngoại chính là con người, và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao luôn tích cực hỗ trợ các địa phương trong công tác đào tạo này.

Ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên-Phiên dịch Quốc gia phát biểu khai giảng Khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu)

Phát biểu tại Lễ khai giảng, ông Phạm Bình Đàm, Giám đốc Trung tâm Biên-Phiên dịch Quốc gia (Bộ Ngoại giao) cho biết khóa bồi dưỡng kỹ năng Biên-Phiên dịch nằm trong rất nhiều hoạt động của Bộ Ngoại giao nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực trong công tác đối ngoại cho các địa phương. Mục tiêu của khóa học là ngoài các kỹ năng, nghiệp vụ ngoại ngữ nền tảng, các học viên sẽ được trang bị những kỹ năng cơ bản về biên phiên dịch; được thực hành những tình huống biên phiên dịch đa dạng, sát với thực tế công việc và phù hợp với trình độ tiếng nền của từng học viên. Đồng thời, các học viên cũng được cung cấp những kỹ năng cần thiết của biên phiên dịch viên đối ngoại.

Đại diện học viên phát biểu ý kiến về những niềm vui và cảm xúc khi được tham dự Khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu)

Điểm nổi bật của khóa học năm nay là chương trình cho mỗi tuần học được thiết kế gắn với một chủ điểm cụ thể, nhằm đem lại cho học viên cảm nhận sát thực nhất về nhiệm vụ và kỹ năng cần thiết của một phiên dịch đối ngoại. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ của giảng viên, các học viên sẽ trực tiếp xây dựng nội dung các tài liệu mẫu để thực hiện Kịch bản Thi kết thúc khóa.

Lễ Khai giảng khóa học có sự tham dự của đại diễn lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Trung Hiếu)

Cụ thể, khóa học sẽ chia thành bốn tuần học với các học phần như sau:

Tuần 1 - Kỹ năng Phiên dịch Hội đàm và Tiếp xúc. Trong tuần đầu tiên này, các học viên sẽ được làm quen với kỹ năng soạn thảo, chuẩn bị tài liệu phục vụ lãnh đạo tỉnh tiếp khách đối ngoại trong những tình huống tiếp xã giao, hội đàm và làm việc chính thức. Về phiên dịch, học viên sẽ được các giảng viên là phiên dịch chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm cung cấp những kỹ năng cơ bản về Phiên dịch đối ngoại, đặc biệt là phiên dịch cấp cao.

Tuần 2 – Kỹ năng Phiên dịch Họp báo. Tuần học thứ hai sẽ giới thiệu đến học viên quy trình chuẩn của một cuộc họp báo và các kỹ năng soạn thảo tài liệu phục vụ lãnh đạo tỉnh chủ trì họp báo. Đồng thời, học viên sẽ thực hành các bài tập tóm tắt văn bản và phiên dịch trong các tình huống có văn bản.

Tuần 3 – Phiên dịch Chiêu đãi. Tuần học thứ ba của khóa học sẽ giúp học viên được trải nghiệm những kịch bản đứng trước micro trên sân khấu, đòi hỏi học viên phải sở hữu những kỹ năng cơ bản về thuyết trình trước đám đông và khả năng ứng biến trong những tình huống bất ngờ. Về biên dịch, các bài học trong học phần này cũng sẽ giới thiệu đến học viên kỹ năng phân tích văn bản và học viên được thực hành phân tích và dịch hai loại hình văn bản cụ thể trong chiêu đãi là Phát biểu chúc rượu và Phát biểu đáp từ.

Tuần 4 – Hội thảo mẫu. Tuần học cuối cùng được thiết kế như một Kịch bản có thật, trong đó các học viên sẽ đóng vai trò là những phiên dịch thực sự và phải thực hành các tình huống dịch khác nhau (dịch hội đàm, dịch tiếp xúc đối ngoại, dịch họp báo, và dịch chiêu đãi). Bộ tài liệu hoàn chỉnh phục vụ phiên dịch trong tuần cuối này phải được hoàn thành sau ba tuần học trước đó.

Toàn cảnh buổi khai giảng khóa học. (Ảnh: Trung Hiếu)

Khóa học hứa hẹn sẽ đem đến những giờ học thú vị, những buổi kiến tập sống động trong không gian văn hóa (Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Dân tộc học) giúp học viên có cơ hội thực hành những bài học lý thuyết trong các tình huống thực tế cụ thể. Với chương trình khóa học có nhiều đổi mới, khóa học năm nay mong muốn bồi dưỡng cho học viên những kỹ năng cụ thể và sát thực nhất, giúp học viên tự tin tác nghiệp khi quay trở về địa phương.

Thầy và trò cùng chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai giảng. (Ảnh: Trung Hiếu)

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khai-giang-khoa-boi-duong-ky-nang-bien-phien-dich-cho-can-bo-cong-chuc-ngoai-vu-dia-phuong-95745.html