Khai giảng của trẻ em ở những nơi nghèo nhất thế giới

Khi ngày khai giảng bắt đầu ở nhiều nơi trên thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã cho thấy cảnh đi tìm con chữ của trẻ em tại các khu vực nguy hiểm và khó khăn nhất.

Ngày tựu trường đã đến nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng và yên bình với trẻ em khắp thế giới. Nhiều trường hợp phải chấp nhận đối mặt với nghịch cảnh khó khăn, vượt qua nó hàng ngày để đến trường với thầy cô, bè bạn. Trong ảnh là học sinh Yenmen đứng trên đống đổ nát từng là phòng học của mình.

Chiến tranh, xung đột và thảm họa tự nhiên không tha cho một ai, kể cả trẻ em. Thực tế, trẻ em là những người hứng chịu nhiều nhất. Tại hầu hết quốc gia tồn tại các vấn đề trên, trẻ em bị mất nhà cửa, gia đình, bạn bè, sự an toàn và cả những thói quen sinh hoạt thường ngày. Trong ảnh là Sitan Doumbia (5 tuổi) chơi với bạn bè tại Trung tâm Phát triển tuổi thơ ở Mali.

Giáo viên Edouard Kabukapua (28 tuổi) và các học sinh hát trên đường đến lớp trong một ngôi trường lều tạm ở làng Mulombela, vùng Kasaï, Cộng hòa Dân chủ Congo. Một cuộc xung đột dữ dội xảy ra trong khu vực Kasaï và miền Đông đã buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.

Tshiela (10 tuổi, ở Kasaï) ngồi tại nơi từng là ngôi trường của mình trước khi người dân nơi đây chạy trốn khỏi cuộc chiến.

Học sinh một ngôi trường ở Baigai, Cameroon học tập cùng với máy tính bảng do UNICEF hỗ trợ. Cùng những nhu cầu tất yếu như nơi ăn, chốn ở, y tế hay nước sạch, giáo dục cần được coi trọng và ưu tiên.

Saleh (15 tuổi) đi từ ngôi làng ở vùng nông thôn phía Nam Aleppo (Syria) để tới tham dự kỳ thi hết lớp 9. Cậu đã bỏ lỡ một năm học do bạo lực leo thang ở ngôi làng nơi cậu sinh sống.

Học sinh ngồi trong lớp học tại trường tiểu học Makankhula Full ở huyện Dedza, Malawi. Lớp học ngoài trời như thế này rất điển hình ở các ngôi trường vùng nông thôn Malawi, nơi thiếu thốn trầm trọng khiến nhiều trẻ em phải học ngay dưới tán cây. Trường tiểu học này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như chỉ có 16 giáo viên và rất ít phòng học cho số lượng hơn 1.200 học sinh.

Mỗi đứa trẻ đều có quyền được học hành để có được tương lai và hành trang giúp sức cho sự phát triển của xã hội. Trẻ được giáo dục đến nơi đến chốn có thể giúp thay đổi đất nước bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng xã hội hòa bình. UNICEF có mặt và làm việc trên khắp thế giới để mang lại mô hình giáo dục chất lượng, tiên tiến cho trẻ em. Ảnh là nắng xuyên qua tường lớp học được dựng tạm bằng cây sậy ở trường tiểu học Upper Nile, Sudan.

Mỗi cô bé, cậu bé, bất kể chúng là ai hay sinh ra ở đâu, đều đáng được hưởng nên giáo dục chất lượng, đầy đủ. Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Ở nhiều khu vực nghèo khó, chiến tranh trên thế giới, trẻ em thậm chí không còn được đáp ứng quyền cơ bản này. Ảnh cậu bé cất cuốn vở vào cặp tại ngôi trường tạm ở vùng nông thôn Dar'a, Syria.

Học sinh ngồi học dưới gốc cây ở Bait Al Faqueeh, Yemen. Theo thống kê trên tờ Independent (Anh), thế giới hiện có khoảng 61 triệu trẻ em (từ 6-11 tuổi) không được đến trường. Con số này ở độ tuổi thanh thiếu niên (12-15 tuổi) là 60 triệu. Trong đó, hơn một nửa số trẻ em không được đi học nằm ở các nước châu Phi (cận sa mạc Sahara). Khoảng 53% trẻ không được đến trường là nữ, cứ 4 trẻ có một sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.

Trong số học sinh ở tuổi 6-11 không được học hành đến nơi đến chốn, 20% bỏ học trước khi tốt nghiệp tiểu học, 41% không tham gia và dự kiến khoảng 39% sẽ nhập trường khi đã quá tuổi đi học. Ảnh chụp ngôi trường lều tạm dành cho học sinh tiểu học tại khu vực Bảo vệ thường dân (PoC) của Sudan.

Lớp học quá đông ở một trường tiểu học ở Gonzagueville, Bờ Biển Ngà. Nhiều lớp tại đây có sĩ số lên tới hơn 100 em, vài em nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi. Nhiều trẻ em không được đi học vì thiếu thốn cơ sở hạ tầng.

Học sinh Yemen đang lắng nghe giáo viên giảng bài trong lều tạm sau khi trường Aal Okab của họ bị phá hủy vào tháng 6/2015 tại Saada, Saada Governorate.

Học sinh tập trung trên sân trường Nosaibah dành cho nữ ở Sana'a, Yemen. Gần nửa triệu trẻ em đã bỏ học kể từ năm 2015 khi xung đột leo thang ở Yemen, làm tăng số trẻ không được đến trường lên 2 triệu em.

Bé Binafrey Viera (giữa) thích thú khi được tham gia lớp học tại trung tâm ECD nằm trong trại tị nạn Luwani ở Malawi. Theo tính toán của UNICEF, căn cứ tình hình hiện tại, thế giới sẽ không đạt được phổ cập giáo dục tiểu học trong nhiều năm tới. Năm 2030, số lượng học sinh trung học cũng giảm xuống.

Khủng hoảng kinh tế và sự sụt giảm quỹ giáo dục toàn cầu sẽ cản trở các nguồn lực sẵn sàng phát triển giáo dục, số trẻ em không được đến trường tiếp tục tăng trong khi chất lượng giáo dục giảm. Bức ảnh chụp cô giáo chơi cùng học sinh ở làng Ndenga, Cộng hòa Trung Phi.

Học sinh ở khu định cư tị nạn Bidibidi (quận Yumbe, miền Bắc Uganda) hát và chơi trong lớp học.

Học sinh vui đùa trong lớp tại một trường tiểu học ở Gonzagueville, Bờ Biển Ngà. Tại đây, trung bình chưa đến 7 trong số 10 trẻ em được đi học tiểu học.

Thái Bình

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khai-giang-cua-tre-em-o-nhung-noi-ngheo-nhat-the-gioi-post874472.html