Khai ấn và cầu 'Quốc thái dân an' tại đền Trần Thanh Hóa

Tối ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Dậu (nhằm ngày 10 - 11/02/2017, theo truyền thống Lễ khai ấn, phát ấn được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại đền Trần (thôn Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).

Buổi lễ mang tầm cỡ quốc gia với nhiều ý nghĩa nhân văn và tâm linh sâu sắc. Thông qua buổi lễ, mọi người hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó, biết nguyện lòng yêu thương và gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Được biết, năm nay, Ban tổ chức khai ấn Đền Trần tại Thanh Hóa đã mời TT Thích Chân Quang – Phó Trưởng ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN làm cố vấn tâm linh cho chương trình Lễ khai ấn đền Trần và Lễ cầu Quốc thái Dân an.

Các đại biểu tham dự lễ khai ấn

Các đại biểu tham dự lễ khai ấn

Buổi lễ có sự tham dự của nhiều đại biểu và hơn 10.000 người bao gồm phật tử, nhân dân cùng du khách thập phương trong và ngoài tỉnh về dự. Đồng thời có hơn 800 Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang miền Bắc.

Đền thờ Trần Hưng Đạo, làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) có từ hàng trăm năm nay. Theo tài liệu lịch sử, năm 1285 anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo khi đi đánh giặc từ cửa Thần Phù đã đi theo sông Hoạt đến làng Thổ Khối. Do lực lượng yếu, Hưng Đạo Vương đã ẩn náu tại đây để củng cố lực lượng, tránh sự bao vây tấn công của quân Nguyên Mông. Tháng 5/1285, khi lực lượng đã hùng mạnh, Trần Hưng Đạo tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Nguyên Mông xâm lược. Ông cùng quân và dân đã giành được những thắng lợi lớn, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước ta. Để tưởng nhớ công lao của Trần Hưng Đạo, nhân dân làng Thổ Khối đã lập đền thờ ông. Đến nay, trải qua hàng trăm năm ngôi đền vẫn còn giữ được những nét nguyên sơ và nhiều hiện vật cổ, trong đó có ấn cổ thời Trần. Vì thế, ngôi đền này đã được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Từ năm 2010 trở lại đây, chính quyền địa phương cùng nhân dân làng Thổ Khối đã khôi phục và tổ chức Lễ khai ấn tại ngôi đền này. Theo đó, cứ đến đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ khai ấn đền Trần lại được diễn ra.

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra trong không khí thiêng liêng, trang trọng

Lễ khai ấn còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lớn lao là cầu cho thiên hạ thái bình, thịnh trị; là lời nhắc nhở, giáo dục của các vua Trần khi đến bách gia trăm họ rằng phải biết tích phúc làm thiện, vun bồi đạo đức tròn đầy.

Trở lại với lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Trần được xem là triều đại lâu dài và hùng mạnh nhất. Hơn 175 năm trị vì với 12 đời vua, nhà Trần đã để lại những trang lịch sử hào hùng với những chiến công vô cùng hiển hách, nhất là cuộc chiến chống quân xâm lượng Nguyên - Mông. Cho đến nay, nhà Trần vẫn nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến của nhân dân ta, biểu hiện là có rất nhiều bài thơ, bài văn, nhiều chương trình truyền hình ghi lại những chiến công lịch sử hay nhiều con đường mang tên các vị tướng kiệt xuất đời Trần. Triều Trần không chỉ nổi tiếng về việc khai sáng võ công, chiến thuật, mà còn nhen lên ngọn lửa khai phóng, tạo thành một trào lưu tư tưởng Thiền học vừa cởi mở, vừa sâu sắc. Đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Ngoài ra, đây còn là cái nôi sản sinh ra biết bao nhân kiệt như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản,… Thật hiếm dòng họ cai trị nào lại có nhiều nhân tài nổi bật và nhiều chiến công lừng lẫy như nhà Trần. Theo như tương truyền, thần lực của các vị Thánh Vương ngự trong từng chiếc ấn sẽ gia hộ, ban lộc cho con cháu, cho quốc thái dân an, cho nhân khang, vật thịnh, cho cuộc sống bình yên. Khi nhận được con ấn, có nghĩa là chúng ta mang theo sự gia hộ của tiên tổ, của các vị Thánh vương về nhà mình, mong rằng chính mình sẽ được may mắn, được phúc lành trong công việc, sự nghiệp.

Thông qua những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp, Lễ hội chính là dịp để chúng ta hướng về nguồn cội, gắn kết cộng đồng và đề cao giá trị đạo đức.

Năm nay, Lễ hội khai ấn đền Trần tại Thanh Hóa có sự cố vấn chương trình của TT Thích Chân Quang, nhằm hướng đến một buổi Lễ chuyên nghiệp với giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, còn có đông đảo phật tử và Chúng thanh niên Phật tử chùa Phật Quang tham gia giúp sức, hỗ trợ cho buổi Lễ.

Trong đêm khai ấn, khoảng 10.000 lá ấn đã được phát cho người dân.

P.V

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/le-khai-an-den-tran-va-cau-quoc-thai-dan-an-d107894.html