Khai ấn đền Trần: Bon chen vào lễ bái, kiệu ấn hứng 'mưa tiền lẻ'

Không chỉ ném tiền vào kiệu rước ấn, một số người cố bon chen vào 'cung cấm' để được lễ bái trước.

Người dân đội lễ chen trong "biển người" vào đền cúng bái

Người dân đội lễ chen trong "biển người" vào đền cúng bái

Tối 18, rạng sáng 19/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), đền Trần chính thức khai hội và tổ chức lễ phát ấn. Mặc dù lễ hội diễn ra vào ngày đầu tuần và trong thời gian đêm muộn nhưng đã có hàng nghìn du khách và người dân địa phương đến dâng hương, lễ bái, du xuân.

Mở đầu chương trình khai hội, đoàn đại biểu T.Ư và tỉnh Nam Định làm lễ dâng hương, rước kiệu từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường trong không khí trang trọng, linh thiêng.

Tuy nhiên, sau khi đoàn đại biểu T.Ư hoàn tất công tác dâng hương và rời đi thì xuất hiện một số đại biểu (thời điểm này chưa mở cửa cho người dân vào đền và "cung cấm" vẫn đang được thắt chặt an ninh, hạn chế người ra vào) đã cố tình bon chen, chạy về cửa "cung cấm" với mục đích được vào lễ bái.

Lúc này, lực lượng công an, bảo vệ đã cố gắng ngăn cản, nhắc nhở, đề nghị ra phía ngoài nhưng số đại biểu này vẫn nán lại giây phút hoặc cố gọi điện để hy vọng, xong cũng bất thành.

Đúng 22h50, nghi lễ rước kiệu ấn được cử hành trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống với sự tham gia của 120 người là đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng , thành phố Nam Định. Ấn được rước từ đền Cố Trạch - nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần để làm lễ khai Ấn.

Khi kiệu ấn đi gần đến đến cổng đền Thiên Trường, bất chấp việc Ban tổ chức kêu gọi và tuyên truyền việc sẽ “xử lý” những người ném tiền lẻ vào kiệu rước ấn qua camera, một số người vẫn cố tình ném tiền vào kiệu rước. Đặc biệt, một số người có mặt trong đền Thiên Trường dự lễ Khai ấn lại chính là đại biểu, khách mời của Ban tổ chức.

Sau khi đoàn đại biểu T.Ư và lãnh đạo tỉnh Nam Định khai ấn và rời đi, một số người tranh thủ vào "cung cấm" nhưng nhanh chóng bị ngăn cản.

Thậm chí, một chiếc kiệu rước ấn còn được "bao bọc" bởi đoàn rước. Lực lượng an ninh nghiêm cấm ai đến gần, đụng chạm nhưng mỗi khi có người "gửi tiền" vào kiệu thì những người này lại sẵn sàng đón nhận và nhét vào trong kiệu hoặc tự ý lấy tiền trong kiệu ra để "phát lộc" gây phản cảm.

Đúng 23h50, cổng đền Trần chính thức được mở cửa để hàng nghìn du khách và người dân địa phương vào chiêm bái. Lượng người đông đúc chờ đợi trong thời gian dài cùng tâm lý mong muốn được lễ sớm nên đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, dẫm lên chân nhau ùa vào đền. Một số du khách bị lấy trộm đồ.

Anh Nguyễn Công Khanh đến từ TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi mở cửa đền, hàng nghìn con người xách, đội đồ lễ chen nhau vào thắp hương, khấn cầu. Cảnh người xô đẩy khiến ai cũng mệt mỏi, một số người đen đủi mất điện thoại, ví tiền. Chứng kiến cảnh hỗn loạn này chắc năm sau gia đình tôi sẽ không chọn đền Trần để du xuân, chiêm bái nữa".

Khi được hỏi về những biến tướng trong một số lễ hội hiện nay, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho rằng dân gian ta có câu “Vui xem mát, nhà xem bơi, tả tơi xem hội”, cho nên khâu tổ chức khó tránh được chuyện này, chuyện khác.

"Lễ hội đền Trần hôm nay khác với ngày xưa bởi vì trước đây tục này chỉ diễn ra ở làng Túc Mặc, trong một không gian hẹp. Nay điều kiện kinh tế phát triển, đường xá thuận lợi, di tích được tu sửa nên mở rộng lễ hội để mọi người cùng chứng kiến, tham gia. Vì vậy công tác tổ chức, bảo đảm an ninh trật tự và văn hóa ứng xử trong lễ hội cần có những thay đổi.

Ngày trước các lễ hội diễn ra trong không gian thiêng, đó là nơi thờ các Thánh, nhân vật lịch sử thì người đến lễ hội họ "tả tơi" một cách thỏa thuê, mọi hoạt động đều có Thánh chứng giám. Nhưng bây giờ, họ lại muốn chiếm đoạt, trục lợi cá nhân, dùng sức lực để chiếm đoạt "lộc" đến sứt đầu, mẻ trán" - ông Thư nói.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Thư nói về những biến tướng trong một số lễ hội hiện nay

"Câu chuyện này phải được giáo dục cho giới trẻ, đi dự lễ hội thì tinh thần phải thỏa thuê, thoải mái, vui vẻ và mang tính hầu Thánh trong không gian thiêng. Chứ đừng biến thành cái trần tục, chiếm đoạt lễ lạt hay cố dâng nhiều lễ vật hơn người khác để mưu cầu xin xỏ may mắn, lộc lá, đó là câu chuyện không đúng”, Giám đốc bảo tàng tỉnh Nam Định nói trong giây phút khai ấn đền Trần.

Những hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại lễ khai hội đền Trần:

Nghi thức dâng hương, khai ấn tại đền Trần

Đoàn rước kiệu ấn tiến vào đền Thiên Trường

Kiệu chính được bảo vệ nghiêm ngặt, không để ai được chạm vào

Một số người tranh thủ vào "cung cấm" nhưng nhanh chóng bị ngăn cản.

Thậm chí có người còn nán lại gọi điện xin vào "cung cấm"

Những đại biểu địa phương là những người may mắn được dâng hương trong những giây phút thiêng liêng

Một số người cố gắng nhét tiền vào trong kệ thờ

Sau khi mở cổng, hàng nghìn du khách và người dân đổ xô vào trong đền, một chiếc đèn lồng treo trước cửa vì thế cũng bị quật rơi xuống đất.

Ngay trong và sau khi kiệu rước ấn đến đền Thiên Trường, nhiều người cố tình ném tiền lẻ vào trong kiệu dù luôn có loa nhắc nhở sẽ "xử lý"

Thay vì ném, nhiều người gửi tiền lẻ những người trực tiếp rước kiệu hoặc lực lượng bảo vệ để vào trong kiệu và những người này luôn sẵn sàng

Nhiều người chực chờ để ném tiền lẻ vào kiệu và cũng có người túc trực để xếp tiền rồi "phát lộc"

Những xếp tiền lẻ được thu gọn nhanh chóng

Hữu Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khai-an-den-tran-dai-bieu-bon-chen-vao-le-bai-kieu-an-hung-mua-tien-le-d411303.html