Khách tố PVCombank chi nhánh Đồng Nai lừa đảo: Ngân hàng phải chịu trách nhiệm thế nào?

Thông qua sự việc hai khách hàng VIP 'tố' Ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai giữ sổ tiết kiệm, rồi tự ý sử dụng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, tiếp tay cho đối tượng lừa đảo,… gây thiệt hại tài sản hơn 68,67 tỷ đồng, LS Hoàng Tùng cho rằng, Ngân hàng không thể chối bỏ một phần trách nhiệm trong công tác quản lý nguồn tiền, quản lý nhân viên.

Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước thông tin Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm phản ánh về việc chị Lê Thị Xuân Bích (SN 1981) và anh Trần Bá Thắng (SN 1993, cùng ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tố Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) chi nhánh Đồng Nai đã làm trái quy định của pháp luật, tự ý sử dụng tiền gửi tiết kiệm, tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, dẫn đến thiệt hại hơn 68,67 tỷ đồng?

Theo đó, chị Bích và anh Thắng được 2 nhân viên ngân hàng là bà Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng dịch vụ khách hàng) và Trần Diệu Hương (Kiểm soát viên) tư vấn vay ngân hàng khác nộp về tài khoản PVCombank. Các sổ tiết kiệm của chị Bích và anh Thắng lại được Ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai giữ. Khi cần rút tiền, 2 nhân viên này lại móc nối với 2 người khác thuyết phục chị Bích cùng anh Thắng cầm cố tài sản của để hỗ trợ cho việc kinh doanh của họ. Chị Bích và anh Thắng đã đồng ý đem tài sản của mình để đưa họ cầm cố hỗ trợ thêm. Đến khi phát hiện các giấy tờ liên quan đến những dự án bất động sản đều không có thật, không có cơ sở pháp lý nào thì sự việc đã quá trầm trọng.

 Chị Lê Thị Xuân Bích và anh Trần Bá Thắng tố Ngân hàng PVCombank lừa đảo. (Ảnh: Thương hiệu và Sản phẩm).

Chị Lê Thị Xuân Bích và anh Trần Bá Thắng tố Ngân hàng PVCombank lừa đảo. (Ảnh: Thương hiệu và Sản phẩm).

Dưới góc độ pháp lý của sự việc, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết:

Thứ nhất, việc ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai giữ toàn bộ sổ tiết kiệm của chị Bích và anh Thắng là trái quy định pháp luật.

Theo Điều 7 Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm, thì sổ tiết kiệm là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, do đó sổ tiết kiệm phải được giao cho người gửi, cụ thể là chị Bích và anh Thắng quản lý. Ngân hàng cần phải tiến hành xem xét sự việc, giao trả sổ tiết kiệm cho người gửi.

Thứ hai, có hay không việc nhân viên Ngân hàng PVCombank chi nhánh Đồng Nai làm giả hồ sơ để vay vốn cho khách hàng khác với hình thức đảm bảo bằng cầm cố các sổ tiết kiệm của chị Bích và anh Thắng?

Trường hợp vào thời điểm từ lúc mở sổ tiết kiệm đến tháng 7/2019, chị Bích và anh Thắng không ký hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm để bảo lãnh cho khoản vay nào thì cần xác minh làm rõ hồ sơ vay do ai làm giả?

Theo luật sư Tùng, việc làm giả hồ sơ vay trong trường hợp này có thể bị xử lý về tội “Làm giả giấy tờ” hoặc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 Khoản 4 điểm a Bộ luật Hình sự năm 2017.

Luật sư Tùng nhấn mạnh: Trường hợp hai nhân viên Ngân hàng Vân và Hương cùng ông Nam, bà Tâm cung cấp các thông tin sai sự thật về các dự án nhằm lừa dối chị Bích và anh Thắng để vay số tiền hơn 43 tỷ cũng đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 Khoản 4 điểm a Bộ luật Hình sự năm 2017.

“Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của các cá nhân, và đây không phải tội áp dụng cho pháp nhân (Ngân hàng). Có thể thấy, để chiếm đoạt được số tiền của các bị hại thì những đối tượng nêu trên đã lợi dụng danh tiếng, chức danh để tiến hành làm giải hồ sơ, cung cấp thông tin sai lệch chính là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, các đối tượng cũng phải chịu trách nhiệm đối với số tiền đã chiếm đoạt của chị Bích và anh Thắng”, luật sư Tùng phân tích.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Luật sư Tùng cho hay, đối với số tiền lãi suất, thiệt hại mà ông Nam, bà Tâm hứa sẽ bồi thường phải có tài liệu thể hiện có sự thỏa thuận về vấn đề này mới đủ căn cứ yêu cầu bồi thường.

Trong trường hợp nêu trên, tuy rằng trách nhiệm không thể áp dụng đối với Ngân hàng, nhưng thông qua sự việc này phía Ngân hàng không thể chối bỏ một phần trách nhiệm trong công tác quản lý nguồn tiền, quản lý nhân viên của mình.

Vì vậy, PVCombank cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát lại để trước tiên là cho khách hàng một lời giải thích rõ ràng, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự cần cung cấp các tài liệu cho cơ quan chức năng để giải quyết.

“Từ sự việc trên, khách hàng khi gửi tiết kiệm cần lưu ý tuyệt đối không đưa sổ tiết kiệm cho người khác. Cần phải tìm hiểu rõ ràng quy trình gửi tiền tiết kiệm, khi ký các giấy tờ cần phải xem xét kỹ lưỡng và nếu có thể thì nên lưu lại bằng chứng. Đồng thời, các Ngân hàng cần siết chặt hơn công tác quản lý nhân viên, quy trình việc thẩm định hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm để tránh các trường hợp như này tiếp tục xảy ra”, luật sư Tùng khuyến cáo.

Đoàn Khang

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/khach-to-pvcombank-chi-nhanh-dong-nai-lua-dao-ngan-hang-phai-chiu-trach-nhiem-the-nao-1442831.html