Khách Tây nhìn đồ ăn Việt với ánh mắt thèm thuồng

Một chút áy náy thoáng qua, rồi tôi lại tiếp tục 'tấn công' những miếng bánh nậm cuối cùng trước khi nói với ba anh bạn Tây: 'Đi, bây giờ mấy chiến hữu muốn đi ăn ở đâu thì đi'.

Miếng bánh ram được chiên vàng ruộm, những bong bóng phồng trên mặt hứa hẹn cảm giác giòn tan khi cắn. Bên trên là bánh ít trần tròn trĩnh trắng mượt mà, mặt phủ lớp tôm tươi chấy đỏ.

Tôi hí hửng chan một muỗng nước mắm trong vắt, có thả mấy lát ớt xanh vào cặp bánh ram - ít nhỏ nhắn, xắn một miếng cho vào miệng.

Trên bàn bốn người còn bày thêm một dĩa bánh lá (hay còn gọi là bánh nậm) mỏng manh nổi bật trên sắc xanh của lá dong luộc; một dĩa chả tôm xắt miếng bằng hai ngón tay cái, phớt một lớp lòng đỏ trứng vịt nhìn đã thấy ngon mắt; một dĩa bánh bột lọc còn nguyên trong lớp lá chuối gói nhưng hứa hẹn những miếng bánh trong vắt nóng hổi khi bóc ra thấy nguyên con tôm đỏ au bên trong và miếng thịt ba chỉ nhỏ giòn sần sật.

Một dĩa, không, một rá thì đúng hơn, bánh bèo chén nhỏ bằng miệng ly cũng rải tôm chấy và tóp mỡ uốn cong như trăng lưỡi liềm. Tất cả chỉ cho… một mình tôi ăn.

Đúng vậy, bàn bốn người nhưng bữa dạ tiệc bánh Huế chỉ cho một mình tôi ăn. Ba ông bạn ngồi nhìn món bánh với cặp mắt thèm thuồng, chốc chốc lại nhấp một ngụm Diet Coke cho lại sức rồi ngó lơ ra đường phố để tránh phải nhìn tôi đang ăn uống một cách chí thú.

Đó là Alastair, Nigel và Dave, những người bạn Anh, cùng đến Việt Nam trong chuyến tôi về thăm nhà cuối năm 2008.

Một chút áy náy thoáng qua, chỉ một chút thôi, rồi tôi lại tiếp tục “tấn công” những miếng bánh nậm cuối cùng trước khi uống hớp soda chanh đường và nói: “Đi, bây giờ mấy chiến hữu muốn đi ăn ở đâu thì đi”.

 Một số loại bánh đặc sản của miền Trung. Ảnh: Citastyfood.

Một số loại bánh đặc sản của miền Trung. Ảnh: Citastyfood.

Đọc đến đây, có lẽ các bạn sẽ chê ba anh làm khách, qua Việt Nam mà không chịu ăn thức ăn địa phương. Tôi phải minh oan ngay, thật ra ba anh này vốn có suy nghĩ rất quốc tế: Đi đến đâu ăn thức ăn địa phương ở đó, không chê bai thức ăn bản địa, không khăng khăng đòi ăn pizza, hamburger và khoai tây chiên như nhiều du khách Mỹ và rất chịu lăn lóc theo kiểu du lịch balo.

Tuy nhiên, chuyến về Việt Nam kỳ này do tôi không lường trước “chuyện an toàn thực phẩm” ở quê nhà yêu dấu nên để cho các anh ăn uống thí mạng ngoài đường. Mới một tuần lễ đã làm mỗi anh sụt vài ký vì ngộ độc thức ăn, đau bụng đủ thứ, đến nỗi như con chim đã bị trúng tên và sợ cành cong không dám đụng đến thức ăn bản xứ nữa, cho tới chừng nào hồi phục hoàn toàn.

Vậy thì bạn sẽ chê tôi không hiếu khách, dẫn bạn về Việt Nam lại chọn món người ta ăn không được. Tôi lại phải minh oan ngay, nếu tôi sống ở Việt Nam và mấy anh bạn qua thăm, tôi sẽ theo ba anh đi ăn mì ý, ăn pizza, ăn bít tết, muốn đi đâu tôi cũng sẵn sàng.

Nhưng tôi chỉ về Việt Nam có vài tuần, phải ăn vội ăn vàng những món địa phương khoái khẩu để những ngày mưa phùn ở Anh ngồi nhớ lại cho đỡ thèm.

Và vì đây là chuyến đi Huế đầu tiên của cả bốn đứa nên không ai biết đường, đành phải đi chung để khỏi lạc. Bởi vậy mới có cảnh một mình tôi tả xung hữu đột trước một bàn đầy những món bánh ngon lành.

Thông thường, khi người nước ngoài viết về món ăn Việt Nam thường nhắc tới với những tình cảm trìu mến, khen ngợi hết lời, làm ngay cả người Việt đọc cũng thấy thèm chảy nước miếng.

Nhưng những món ăn được đề cập tới gần như 90% là phở và chả ram (theo tiếng miền Trung, còn gọi là chả giò ở miền Nam và nem ở miền Bắc), thỉnh thoảng thêm món cà phê sữa đá hoặc bánh mì kẹp chả và pate, vì đây là những món Việt Nam kinh điển, dễ ăn phù hợp với khẩu vị phương Tây và tương đối lành.

Bởi vậy lần nào có dịp trổ tài nấu thức ăn Việt tôi cũng nhắm tới hai món phở và chả ram cho “chắc cú”, vì gần như mười lần như chục lúc nào cũng được khen (khen thật chứ không phải khen giả bộ khách sáo, vì tôi biết bạn bè của mình nếu không ngon là nói liền).

Ngô Thị Giáng Uyên / NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khach-tay-nhin-do-an-viet-voi-anh-mat-them-thuong-post1329526.html